Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khảo sát và chính thức công khai các địa điểm dành cho nghiên cứu đầu tư dự án điện Mặt Trời.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh có các địa điểm có khả năng đầu tư phát triển các dự án điện Mặt Trời, bao gồm: huyện Phong Điền có các địa điểm xã Điền Môn và Điền Hương; xã Phong Chương; xã Phong Hiền; và xã Phong Hòa, với tổng diện tích 427ha. Tại khu vực huyện Phú Lộc có một điểm ở vị trí Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô (khu vực xã Lộc Thủy, xã Lộc Tiến), với diện tích 170ha.
Thời gian gần đây, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu để đầu tư vào những dự án năng lượng xanh; trong đó, Công ty Năng lượng tái tạo Orange thuộc Tập đoàn AT Capital - Singapore đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Qua làm việc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế kết luận sẽ áp dụng các chính sách, ưu đãi cao nhất theo khung quy định của Chính phủ và của tỉnh đối với dự án sản xuất năng lượng Mặt Trời trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã thống nhất cho Công ty BS Heidelberg Solar GmbH nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện Mặt Trời với công suất 151MWp trên diện tích khoảng 160ha tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.
[Khánh thành Nhà máy điện mặt trời LIG-Quảng Trị với công suất 49,5MWp]
Ngoài nhà máy Điện Mặt Trời TTC Phong Điền do Công ty cổ phần điện Gia Lai đầu tư đưa vào sử dụng cuối năm 2018, công suất 35MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; dự kiến trong năm 2019, nhà máy phát điện với tổng sản lượng đạt khoảng 60 triệu kWh/năm; còn có Công ty cổ phần Xây dựng và Thiết bị Thái Đạt, liên doanh nhà đầu tư Công ty Europe Clean Energies Japan K.K và Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đang nghiên cứu, xin phép Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch để xây dựng nhà máy điện Mặt Trời tại xã Phong Hòa và xã Điền Môn với diện tích gần 150ha.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn khuyến khích đầu tư các nguồn năng lượng khác, như nguồn năng lượng khí sinh học là nguồn nhiên liệu được dùng để đun nấu, thắp sáng và sản xuất điện năng. Điều này đặc biệt quan trọng vì tỉnh Thừa Thiên-Huế có tới 80% dân sống ở nông thôn và chăn nuôi ngày càng phát triển theo xu thế tập trung.
Đáng chú ý, khách sạn Khách sạn Sài Gòn-Morin đã ứng dụng điện năng lượng Mặt Trời cho hệ thống nước nóng có nhu cầu tiêu thụ khoảng 14.000 lít nước nóng mỗi ngày. Nếu sử dụng bình nước nóng năng lượng Mặt Trời sẽ tiết kiệm khoảng hơn 600 triệu đồng/năm.
Tại Huế, trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố đã đã ứng dụng thí điểm điện năng lượng Mặt Trời tại vị trí cột đèn số 3 và 4. Đèn hoạt động ổn định và đảm bảo chiếu sáng liên tục vào ban đêm (khi thời tiết mưa cũng có thể sử dụng tiếp đến 4-5 ngày). Mỗi cột đèn chiếu sáng năng lượng Mặt Trời lắp đặt thay thế cho đèn cao cáp sodium công suất 100W tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ trên một năm là 438kWh/cột.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, với chính sách của Nhà nước thúc đẩy việc phát triển năng lượng Mặt Trời; cụ thể gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam, việc phát triển điện năng lượng Mặt Trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế là vô cùng thiết thực và tất yếu.
Lợi ích của các dự án mang lại công ăn việc làm và tạo thu nhập cho nhân dân trong vùng, đóng góp ngân sách cho địa phương; qua đó góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho địa phương. Quan trọng hơn nữa là giải quyết vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và góp phần giảm phát thải khí nhà kính./.