Thừa Thiên-Huế mở rộng cảng cá và khu neo đậu tàu cá

Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung đầu tư mở rộng các cảng cá Thuận An và Tư Hiền và xây dựng và nâng cấp 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải dù mới được xây dựng nhưng luôn bị bồi lấp nên chỉ đáp ứng 1/2 công suất. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung đầu tư mở rộng các cảng cá Thuận An và Tư Hiền; đồng thời xây dựng và nâng cấp 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Theo đó, cảng cá Thuận An được nâng cấp thành cảng cá loại 1, với quy mô 120 lượt tàu/ngày, cỡ tàu lớn nhất được ra vào cảng là 700 CV, lượng thủy sản qua cảng khoảng 20.000 tấn/năm; cảng cá Tư Hiền thành cảng cá loại II, với quy mô 70 lượt tàu/ngày, cỡ tàu lớn nhất được ra vào cảng là 500 CV, lượng thủy sản qua cảng khoảng 10.000 tấn/năm. 

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn xây dựng, nâng cấp 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm: khu neo đậu kết hợp cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang) với quy mô sức chứa 1.000 chiếc tàu cỡ 300 CV; khu neo đậu đầm Cầu Hai (huyện Phú Lộc) với quy mô sức chứa 420 chiếc tàu cỡ 300 CV; khu neo đậu Phú Hải (huyện Phú Vang) với quy mô sức chứa 500 chiếc tàu cỡ 300 CV; khu neo đậu kết hợp cảng cá Vinh Hiền (Tư Hiền, huyện Phú Lộc) với quy mô sức chứa 300 chiếc tàu cỡ 300 CV.

Với đặc thù là một tỉnh miền Trung, một mặt giáp biển cùng đa dạng hệ thống sông ngòi, đầm phá, hằng năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các đợt gió mùa vùng khí hậu nhiệt đới và rất nhiều các trận bão lớn nhỏ.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên-Huế có hàng nghìn phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển và rất nhiều phương tiện thuyền bè khác của các hộ dân sống trên đầm phá. Riêng trên sông Hương cũng có đến hàng trăm phương tiện của dân vạn đò, trên 120 tàu thuyền phục vụ cho Ca Huế...

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/2 số tàu thuyền có nơi tránh trú bão nhưng trong điều kiện các âu thuyền đều ở dạng tạm bợ, không đảm bảo chất lượng neo đậu.

Trong khi đó, một số âu thuyền hiện đại được đầu tư xây dựng vừa đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây lại chậm tiến độ, hoặc không phát huy hiệu quả theo yêu cầu thiết kế.

Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải với tổng mức đầu tư gần 35 tỷ đồng, có thiết kế đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại từ 20CV trở lên cho ngư dân các xã Phú Hải, xã Phú Thuận, xã Phú Diên và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và các tỉnh khác nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão, phát triển bền vững nghề cá.

Tuy nhiên, sau bốn năm sử dụng, luồng tàu vào khu neo đậu Phú Hải bị bồi lắng 300/700m, chiều sâu chỉ còn khoảng 1,5 m (thiết kế 2,5 m), bề rộng đáy luồng còn khoảng 10 m (thiết kế 25 m), khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Mỗi mùa mưa bão gần đây, chỉ còn khoảng từ 200-300 phương tiện có thể vào tránh trú bão, do luồng lạch bị bồi lấp.

Cảng cá Tư Hiền cũng gây ra nhiều bất cập khi tàu cập bờ là do bến cảng cao, chỉ phù hợp cho các tàu lớn trên 90CV trong khi phần lớn tàu của các địa phương trong tỉnh là dưới 20CV. 

Trước khi được nâng cấp, xây dựng theo quy hoạch như đã nêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao cho ngành nông nghiệp tính toán khơi thông lại luồng lạch cho đảm bảo ra vào của tàu tại khu neo đậu Phú Hải; nghiên cứu đắp thêm bậc lên xuống cảng chính và tạo lập đường lên xuống phần đai hai bên để tạo thuận lợi cho các tàu cá công suất nhỏ neo đậu tại cảng cá Tư Hiền… để không chỉ thiết lập an toàn nơi neo đậu tàu thuyền mà còn đảm bảo dân sinh, bình ổn xã hội cho cư dân các vùng ven biển, đầm phá.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục