Thừa Thiên-Huế hỗ trợ phát triển 16 sản phẩm chủ lực địa phương

Tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành danh mục hỗ trợ sản phẩm chủ lực giai đoạn 2019-2020, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thừa Thiên-Huế hỗ trợ phát triển 16 sản phẩm chủ lực địa phương ảnh 1Bày bán các sản phẩm của nghề đúc đồng tại Phường Đúc, thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa chọn và ban hành danh mục sản phẩm chủ lực giai đoạn 2019-2020 để hỗ trợ phát triển.

Theo danh mục này, có 16 sản phẩm được hỗ trợ trong giai đoạn này gồm: Bưởi thanh trà (Thanh trà Huế); lúa, gạo chất lượng cao; rau má tươi, trà rau má; sen Huế; bò, thịt bò; tinh dầu tràm, tinh dầu sả và các loại tinh dầu từ dược liệu; áo dài Huế; vải zèng; mây tre, mộc mỹ nghệ; đúc đồng; cá vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú); tôm chua và nước mắm, ruốc, mắm các loại.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trên cơ sở này, các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, lồng ghép các nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.

Các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách đã được ban hành, triển khai đồng bộ các giải pháp, lồng ghép nguồn lực và ưu tiên hỗ trợ tối đa các giải pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực địa phương.

Thời gian qua, Thừa Thiên-Huế đã tích cực hỗ trợ phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị đối với các đặc sản trên địa bàn thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận đặc sản Huế.

Hoạt động này nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tăng cường các giải pháp mang tính đồng bộ, tập trung ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của từng xã, phường, thị trấn.

[Huế: Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình thu hút du khách]

Hiện, tỉnh Thừa Thiên-Huế có các sản phẩm mè xửng, tôm chua và thanh trà Huế đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong tốp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Riêng đối với mặt hàng truyền thống mè xửng Huế, chương trình khuyến công đã góp phần kích thích các doanh nghiệp, cơ sở phát huy năng lực, mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thanh trà Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và là một loại trái cây quý để làm quà tặng của người dân xứ Huế, là món hàng đặc sản để phục vụ khách du lịch, đồng thời cũng là món ăn biểu trưng của văn hoá ẩm thực cố đô.

Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch, thu thập thông tin nhằm đánh giá đầy đủ về hiện trạng các sản phẩm, trình độ công nghệ, vốn, lao động liên quan đến sản phẩm của từng địa phương.

Tỉnh hướng tới việc phát triển và xây dựng mỗi làng một nghề giai đoạn 2019-2020. Trong số này, phải kể đến các mặt hàng chủ lực phát triển vừa nêu trên. 

Điển hình, hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) tận dụng tốt nguồn lao động nông nhàn sau mỗi vụ thu hoạch lúa, phát triển thêm các mặt hàng mây tre mỹ nghệ như đèn, quạt, rổ, rá... để bán cho các cơ sở du lịch; giải quyết việc làm thêm cho 50 lao động trong địa phương, bình quân mỗi lao động thu nhập ở hợp tác xã từ 1-1,3 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm mây tre đan của Bao La không chỉ tiêu thụ ở Huế mà các sản phẩm mỹ nghệ của hợp tác xã còn mở rộng đến với các tỉnh thành phố trong nước như Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội... 

Bên cạnh phát triển sản xuất chủ lực, chủ một số cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng ở Huế đều cho rằng việc xây dựng chiến lược này phải gắn với phát triển thương hiệu đặc sản Thừa Thiên-Huế, bởi đây không chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức mà còn giúp cho các cơ sở sản xuất đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm cũng như duy trì, phát triển các sản phẩm truyền thống của tỉnh ra thị trường. 

Đi đôi với đó là việc xúc tiến, đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm này, để tránh tình trạng bắt chước, lạm dụng thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm đặc sản của tỉnh để sản xuất kinh doanh trái pháp luật và nguy cơ làm mất thương hiệu đối với các sản phẩm đã có thương hiệu trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục