Chiều 30/7, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức đón 368 người dân của tỉnh trở về từ vùng dịch bằng tàu hỏa. Đây là việc làm vừa mang tính nhân văn đối với người dân và cũng là một cách "chia lửa" với các địa phương phía Nam đang vất vả đối chọi với đại dịch COVID-19.
Các trường hợp được đón về lần này là những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngay sau khi đến Ga Huế (thành phố Huế), toàn bộ người dân được hỗ trợ di chuyển bằng xe ôtô đến khu cách ly tập trung theo quy định.
Trước đó, tỉnh đã tổ chức đón đợt đầu tiên 239 người dân trở về bằng đường hàng không vào ngày 26/7. Tất cả các trường hợp đón về từ vùng dịch đều được hỗ trợ miễn phí chi phí đi lại, xét nghiệm và cách ly tập trung tại địa phương.
Dự kiến, đợt 3, tỉnh sẽ đón khoảng 250 người dân của tỉnh trở về bằng đường hàng không vào ngày 1/8.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại địa phương, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định tạm dừng chương trình đón người dân sau 3 đợt tổ chức.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, trường hợp người dân tự phát trở về, tỉnh vẫn xét duyệt, đón đưa đi cách ly. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc việc trở về trong giai đoạn này để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổng quy mô cách ly toàn tỉnh đạt hơn 10.000 chỗ.
Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đang tổ chức cách ly cho hơn 8.000 người trở về từ vùng dịch và dự kiến trong vài ngày tới các khu cách ly tập trung sẽ hết công suất. Việc các khu cách ly quá tải sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế kêu gọi người dân sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cần nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội, không tự ý di chuyển trở về quê lúc này.
[Người miền Tây chống dịch COVID-19: Những tấm lòng thơm thảo]
Khi cần thiết người dân có thể liên hệ chính quyền thông qua ứng dụng Hue-S hoặc đường dây nóng 19001075 để được hỗ trợ.
Trong khi đó, theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, thực hiện cao điểm vận động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 31/5 đến nay, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ số tiền hơn 5,6 tỷ đồng, hàng hóa với giá trị ước khoảng 5 tỷ đồng.
Các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận trực tiếp số hàng hóa chủ yếu là trang thiết bị y tế, các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm để thực hiện công tác phòng, chống dịch với giá trị ước khoảng 2 tỷ đồng.
Với tinh thần đồng hành vượt khó, sẵn lòng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, nhiều ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đã tích cực hỗ trợ tiền và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch, chia sẻ khó khăn với bà con trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Thời gian tới, các ngân hàng tham gia tích cực vào việc phối hợp chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp người dân, doanh nghiệp tái sản xuất…
Toàn bộ số hàng hóa là trang thiết bị y tế tiếp nhận đã được phân bổ cho Sở Y tế, các trung tâm y tế, huyện, thị xã, thành phố.
Các nhu yếu phẩm đã được chuyển đến các khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến để hỗ trợ người dân và bệnh nhân. Gần 1,2 tỷ đồng cũng được phân bổ cho 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để phục vụ công tác chống dịch.
Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, cho biết, thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 bằng những tình cảm chân thành.
Những nguồn lực xã hội hóa này góp phần chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đại đoàn kết.
Nguồn kinh phí, hiện vật tiếp nhận được sẽ nhanh chóng chuyển cho các đơn vị, địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.