Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác di dời hàng trăm hộ dân sinh sống trên khu vực Thượng Thành thuộc hệ thống Kinh thành Huế ra khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã được triển khai khẩn trương, nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã cơ bản hoàn thành đợt một di dân đối với dân cư sống ở khu vực Thượng Thành với quy mô 576 hộ.
Đạt được kết quả này có vai trò đóng góp quan trọng của công tác dân vận, với sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đây là tiền đề quan trọng, tạo đà để Thừa Thiên-Huế tiếp tục phát huy nhằm hoàn thành mục tiêu di dời trên 2.360 hộ dân còn lại của giai đoạn một vào cuối năm 2020.
Gần dân
Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng hàng tuần ông Nguyễn Duy Khiêm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thuận Lộc, thành phố Huế, vẫn dành thời gian ra thăm khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ, nơi có hàng trăm hộ dân của phường đang xây dựng nhà cửa sau khi bàn giao mặt bằng đất di tích cho Nhà nước quản lý.
Nhìn những ngôi nhà mới đang dần hình thành, ông Nguyễn Duy Khiêm chia sẻ đó không chỉ là niềm vui của người dân, mà còn là niềm tự hào, phấn khởi của chính những cán bộ cơ sở như ông đã đồng hành với người dân trong suốt một hành trình dài để có được ngày vui hôm nay.
Trên cơ sở các văn bản của Nhà nước, nhất là khung chính sách của Trung ương, Ủy ban Nhân dân phường Thuận Lộc đã thành lập Ban chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể để tuyên truyền và giám sát thực hiện chủ trương chấp hành di dời giải tỏa.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thuận Lộc Nguyễn Duy Khiêm cho biết các hộ dân đến sinh sống trên khu vực Thượng Thành ở nhiều giai đoạn khác nhau và đa phần là những hộ nghèo, trình độ dân trí thấp. Do lập cư trái phép trên đất di tích nên những giấy tờ pháp lý liên quan của người dân hầu như không đầy đủ.
Tuy nhiên, với khung chính sách mở của Trung ương đối với Đề án Di dời dân, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đã tạo điều kiện tối đa cho người dân được giải quyết chế độ chính sách. Người dân chỉ cần cung cấp giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai tử để chứng minh đã từng sinh sống tại đó là được.
Mặc dù vậy, trong quá trình giải quyết thủ tục hồ sơ cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc xác định hộ chính, hộ phụ, giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền thừa kế… để cấp đất tái định cư theo quy định.
Chẳng hạn như nhiều trường hợp gia đình cha mẹ mất không để lại giấy tờ liên quan, anh em trong gia đình đã chuyển đi sống tại nơi khác, nay nghe có dự án tái định cư quay trở về đòi quyền lợi…
Tất cả những trường hợp đó đều được Ban chỉ đạo đền bù, giải tỏa của phường Thuận Lộc xem xét cẩn trọng, giải thích và vận động thấu tình, đạt lý để người dân đồng thuận.
Cũng theo ông Khiêm, trong quá trình vận động nhiều khi cũng phải có sự thông cảm đối với người dân, nhiều hộ chậm di dời bàn giao mặt bằng vì nhiều lý do như khó khăn trong việc tìm nhà trọ, việc vận chuyển đồ đạc quá nhiều, nhiều hộ ở lại nhà cũ vì muốn dành tiền Nhà nước hỗ trợ thuê phòng trọ để bù vào tiền xây nhà mới nên đợi sau khi xây dựng nhà ở khu tái định cư xong sẽ chuyển ra sau…
Quan tâm đến hộ nghèo
Ngay từ khi bắt đầu triển khai Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn chỉ đạo nhấn mạnh đến việc quan tâm tới những hộ nghèo và cận nghèo, bởi đây là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Từ nhiều nguồn vận động khác nhau của tỉnh Thừa Thiên-Huế, những hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ kinh phí làm nhà ở khu tái định cư mới.
[Thừa Thiên-Huế: Đẩy nhanh việc di dời dân, trả lại mặt bằng di tích]
Giữa công trường nhộn nhịp xây dựng tại khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ, có quán nước nhỏ của chị Lê Thị Thủy Vân được mở cách đây hơn ba tháng. Chị Vân là một trong những hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà tại đây, việc buôn bán vừa giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa có thời gian trông nom ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện.
Theo chị Lê Thị Thủy Vân, gia đình chị được cấp một lô đất phụ với diện tích rộng 61m2 và được thành phố Huế hỗ trợ xây dựng dưới dạng “chìa khóa trao tay," dự kiến trong tháng 7/2020, nhà của chị và 27 ngôi nhà của các hộ nghèo khác tại đây sẽ được bàn giao để về nhà mới. Trong suốt quá trình di dời nơi ở cũ đến khi bốc thăm, nhận đất, xây nhà, các hộ dân ở đây luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và cán bộ Mặt trận, đó là nguồn động viên lớn đối với bà con.
“Ngôi nhà được thiết kế với độ sâu của móng nền là 2,5m, có gác lửng, phù hợp cho người dân khi có điều kiện sẽ xây cất thêm tầng nữa. Việc xây dựng nhà luôn được đội ngũ kỹ sư giám sát chặt chẽ và trách nhiệm nên bà con rất yên tâm về chất lượng công trình," chị Lê Thị Thủy Vân chia sẻ.
Bên cạnh đó, những trường hợp hoàn cảnh đặc biệt, các cơ quan chức năng địa phương đã linh hoạt giải quyết với tinh thần nhân văn, hỗ trợ tối đa để người dân có được nơi ở mới, như gia đình bà Trần Thị Gái, 66 tuổi, ở phường Thuận Lộc.
Sau bao nhiêu năm lưu lạc nơi đất khách quê người, gia đình bà Trần Thị Gái trở về quê với hai bàn tay trắng, phải thuê nhà của một hộ dân sống trên khu vực Thượng Thành để ở cách đây hơn một năm. Khi triển khai dự án di dời dân ở đây, gia đình bà Gái không nằm trong khung chính sách đền bù và hỗ trợ tái định cư.
Nhưng xét thấy đây là hộ nghèo, bà Gái đã già cả và thường xuyên đau ốm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thuận Lộc đã kiến nghị với cấp trên thống nhất tạo điều kiện cho gia đình mua chung cư giá rẻ và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.
Tạo đà cho những giai đoạn tiếp theo
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, đây là cuộc cách mạng về di dân lịch sử của tỉnh nhằm trả lại mặt bằng cho di tích Kinh thành Huế. Trước đó, do vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến quy định của Luật Đất đai, Luật Di sản, các thiết chế văn hóa, nên việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư đối với dự án này, qua đó đã tháo được “nút thắt” về hành lang pháp lý để địa phương triển khai trong thực tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết từ thành công bước đầu của đợt đầu di dân, tái định cư này, tỉnh rút ra một số kinh nghiệm quý, đó là cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận để người dân hiểu và chấp hành chính sách, bàn giao mặt bằng. Quá trình thực hiện phải công khai minh bạch, dân chủ, đảm bảo quyền lợi của người dân trong thực hiện chính sách, qua đó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành cần có sự sâu sát cơ sở để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh khi triển khai…
Điều đáng mừng là với một khối lượng công việc lớn, phức tạp như vậy, nhưng đến nay chưa có cán bộ nào của tỉnh Thừa Thiên-Huế để xảy ra sai phạm liên quan đến công tác di dời, giải tỏa, bồi thường, tái định cư... Đó cũng là một điểm sáng mà nhiều lãnh đạo Trung ương khi về làm việc với tỉnh đều đánh giá cao.
Thời gian tới, thành phố Huế dự kiến sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu vực Eo Bầu vào cuối tháng 9/2020 và khu vực Hộ Thành Hào, tuyến Phòng Lộ, di tích Trấn Bình Đài vào cuối tháng 11/2020 để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn một. Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng kiến nghị với Trung ương xem xét, bố trí phần kinh phí còn lại 980 tỷ đồng theo khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2020.
Theo kế hoạch, Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2019-2021 di dời 2.938 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành, các Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến Phòng Lộ. Giai đoạn 2, từ năm 2022- 2025 sẽ di dời 1.262 hộ dân thuộc khu vực hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, di tích Đàn Xã Tắc…./.