Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 13, đảm bảo an toàn cho lực lượng, phương tiện cứu hộ, ngày 12/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ có công điện yêu cầu tạm dừng việc xử lý tràn dầu tàu JAKARTA mắc cạn, bị gãy; dừng trục vớt tàu Công Thành 27 và việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.
Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó mưa bão, đồng thời khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công, hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn...
Đặc biệt, diễn biến mưa lớn diện rộng sắp tới có khả năng gây sạt lở, lũ quét và ngập úng tại Thừa Thiên-Huế. Vì vậy, người dân sống trong khu vực trọng điểm như ven biển, cửa sông, vùng thấp trũng, ngập úng, vùng núi hai huyện Nam Đông, A Lưới… được yêu cầu sơ tán, di dời đến nơi tránh, trú bão an toàn.
Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp; hướng dẫn công nhân viên các khu công nghiệp nghỉ làm việc để đảm bảo an toàn cũng như chằng chống, bảo vệ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, khu neo đậu tránh trú bão; hướng dẫn người dân neo đậu an toàn và quản lý chặt ghe thuyền bãi ngang ven biển; gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn…
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, vùng hạ du; giải pháp bảo vệ an toàn hồ chứa nhỏ hoặc đang thi công.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc việc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước thấp nhất đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du.
[Bão số 13 khó đoán định, khả năng đổ bộ vào Trung Trung Bộ đêm 13/11]
Chủ đầu tư các công trình đang thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập úng; đảm bảo an toàn công trình; kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.
Dự kiến, từ chiều 14-16/11, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, biển động mạnh. Mực nước các sông có khả năng đạt báo động II đến báo động III, biển động dữ dội.
Thời tiết trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp và có khả năng mưa kéo dài đến ngày 17/11/2020.
Hiện nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, mưa vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, gây ngập lụt từ 0,4-1,5m đối với hơn 6.500 ngôi nhà.
Tỉnh đã triển khai sơ tán, di dời hơn 2.100 hộ dân với hơn 6.400 nhân khẩu để đảm bảo an toàn tính mạng và của cải cho người dân./.