Kết thúc mùa màng bội thu cũng là lúc đồng bào dân tộc huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) dựng cây nêu, nô nức đón chào ngày hội lớn - lễ hội ADa Koonh.
Lễ hội năm nay trở nên đặc biệt hơn khi A Lưới chính thức thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025. Không khí lễ hội, hân hoan đón Tết tràn ngập mọi nẻo đường và bản làng.
Lưu giữ bản sắc dân tộc
Vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2024, nhiều người dân, du khách miền xuôi đã vượt đèo cao tìm đến Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (xã Hồng Thượng) cùng đón Tết ADa Koonh với đồng bào đang sinh sống trên dãy Trường Sơn.
Trên các cung đường dốc núi, đông đảo gia đình, dòng họ người Pa Cô, Tà Ôi với trang phục rực rỡ sắc màu đổ về ngôi nhà chung Târ Đah.
Sau tiếng tù và báo hiệu lễ hội ADa Koonh bắt đầu, các già làng mời “Mẹ Lúa” vào Moong (nhà truyền thống của người Pa Cô, Cơ Tu) chung vui lễ hội. Các chàng trai, cô gái Pa Cô tay nâng mâm cỗ của gia đình, họ tộc dâng lên các vị Giàng, thần linh thực hiện nghi thức Pa xâr tâm pực.
Già làng Lê Tuấn Mõ (thôn Kê Ré, xã Hồng Thượng) cho biết, từ đầu tháng, các già làng cùng bàn bạc về lễ vật cho lễ hội để cúng 7 vị thần linh. Các gia đình sẽ tổ chức cúng tại nhà trước, sau đó dâng lễ vật lên ngôi nhà chung của làng để tiếp tục lễ hội ADa cùng già làng.
Đây là lần đầu tiên lễ hội ADa Koonh được tổ chức ở Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện. Các già làng đều mong rằng, con cháu tiếp tục gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Sau phần lễ với đầy đủ các nghi thức, già làng, trưởng họ, con cháu và khách mời quây quần ăn uống, ca múa, đối đáp các làn điệu truyền thống. Các mâm cỗ được ăn hết tại Moong để thể hiện tình cảm gắn bó của con cháu làng bản. Nghi lễ này chỉ có ở lễ hội ADa của người Pa Cô.
Lễ hội ADa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội Tết cổ truyền thiêng liêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào vùng cao A Lưới nhằm tạ ơn, cầu mong các vị thần linh ban tặng đất đai màu mỡ, dòng nước ngọt lành, mưa thuận gió hòa để nhà nhà người Pa cô, Tà Ôi, Cơ Tu được mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no thịnh vượng, hạnh phúc.
“Chuẩn bị cho lễ hội, huyện đã soạn thảo kịch bản và mời các già làng, người am hiểu về truyền thống đồng bào các dân tộc cùng khoảng 50 diễn viên, nghệ nhân tái hiện các nghi thức. Nhiều năm trở lại đây, thực hiện nếp sống mới, huyện chủ trương hướng dẫn các địa phương lược bỏ nghi thức đâm trâu và chỉ tái hiện các nghi thức chính” - Trưởng phòng Văn hóa thông tin, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Lê Thị Thêm cho hay.
Ngoài ra, xã biên giới Đông Sơn (huyện A Lưới) cũng đón Tết bằng nhiều hoạt động nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong không gian ấm cúng của bếp lửa, hàng chục thanh niên của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cùng cán bộ Công an, người dân xã quây quần gói bánh chưng, làm cơm lam và bánh a quát (bánh truyền thống của đồng bào Pa Cô). Đây là hoạt động chính của “Tết ấm vùng cao-ươm mầm xanh biên giới” do Công an xã tổ chức.
Bạn Nguyễn Tăng Đạt (Trường Đại học Sư phạm Huế) ấn tượng với món bánh a quát có hình dáng giống chiếc sừng trâu, đặc biệt nếp làm bánh không được ngâm trước khi gói. Gói bánh là một trải nghiệm đầy thách thức nhưng thú vị đối với Đạt để hiểu thêm về ẩm thực đồng bào dân tộc Pa Cô.
Là người lên kịch bản cho chương trình “Tết ấm vùng cao-ươm mầm xanh biên giới”, Đại úy Nguyễn Viết Hùng (Công an xã Đông Sơn) cho hay, hoạt động gói bánh là dịp để các bạn trẻ miền xuôi và vùng cao gắn kết, giao lưu văn hóa. Số bánh này sẽ được trao tặng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các hộ nghèo ở xã để sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.
Niềm tin quê hương khởi sắc
Đông Sơn là xã khó khăn của huyện A Lưới - nơi có sân bay A So bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất độc hóa học dioxin. Đất đai bạc màu, thời tiết khắc nghiệt khiến người dân khó phát triển kinh tế.
Tuy nhiên những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Trung ương và địa phương, cộng đồng xã hội, nhiều gia đình đã được tạo điều kiện để phát triển sinh kế, phát huy nội lực, cải thiện đời sống. Bộ mặt của xã được cải thiện.
Một số con đường đã được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng mặt trời, camera an ninh từ nguồn kêu gọi hỗ trợ của Công an xã.
Đại úy Nguyễn Viết Hùng (Công an xã Đông Sơn) cho biết, cùng với trao quà cho các học sinh giỏi, “Tết ấm vùng cao-ươm mầm xanh biên giới” còn có hoạt động đổi cây lấy quà. Số cây xanh do người dân mang đến sẽ được trồng trong khuôn viên trụ sở Công an xã, khu vực sinh hoạt cộng đồng nhằm tạo ý thức cho mọi người trong việc gìn giữ, làm đẹp cảnh quan.
Những năm gần đây, nhiều người dân A Lưới đã đi làm ăn xa, làm việc ở nước ngoài. Những người ở lại cũng mạnh dạn khởi nghiệp với các mô hình kinh tế từ nông sản, đặc sản vùng miền, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch gắn với sông suối, văn hóa dân tộc…
Một năm đã qua, những người con xa quê trở về cùng già làng, trưởng tộc đón Tết ADa. Mọi người cùng nhảy múa trong tiếng cồng chiêng; chơi kéo co, cà kheo, đánh đu. Các nghệ nhân dệt Dèng, làm gốm cổ, đan lát thực hành và dạy nghề cho các bạn trẻ. Mọi người đều hy vọng một năm mới khởi sắc, mùa màng bội thu; con cháu làm ăn phát đạt; người lớn tuổi và trẻ em trong làng được sức khỏe, bình an.
Anh Hồ Văn Miên (25 tuổi, thôn Kê 2, xã Hồng Thủy) hào hứng chờ đợi và chuẩn bị để tham gia các nghi thức lễ hội ADa Koonh với mong muốn lưu giữ tập tục dân tộc. Trong năm mới, anh mong muốn các bản làng cùng nhau phát triển kinh tế, đồng bào có cuộc sống sung túc hơn.
Nghệ nhân làm gốm cổ Hồ Yên cho biết, các sản phẩm gốm của đồng bào Pa Cô không khó làm nhưng đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó bởi các bước đều làm thủ công. Ngày càng có nhiều thanh niên biết trân trọng và mong muốn theo nghề. Đến nay, khoảng 10 thanh niên trong làng được ông truyền nghề và phát triển kinh tế từ nghề gốm.
Năm 2024 cũng đánh dấu nỗ lực thoát nghèo thành công của chính quyền và người dân A Lưới. Lễ hội ADa Koonh năm nay mở ra một trang mới đầy hy vọng cho vùng đất khó A Lưới.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Văn Hải, năm 2024, toàn huyện đã xóa được toàn bộ nhà tạm, hơn 4.400 căn nhà được hoàn thiện, khang trang. Người dân được hỗ trợ con giống, cây trồng. Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ.
Năm 2025 là năm tiền đề bứt phá đối với A Lưới. Huyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về cơ sở hạ tầng; rà soát, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn. Đồng thời, vận động người dân sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo đột phá phát triển du lịch dựa vào giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác du lịch cộng đồng và kêu gọi đầu tư du lịch… hướng đến sự khởi sắc kinh tế-xã hội ở huyện, ông Nguyễn Văn Hải cho hay./.
Thừa Thiên–Huế: Đồng bào dân tộc huyện miền núi A Lưới đón lễ hội ADa Koonh
Kết thúc một mùa màng bội thu, đồng bào dân tộc huyện miền núi A Lưới ở Thừa Thiên-Huế lại đón lễ hội ADa Koonh - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Tết cổ truyền thiêng liêng của đồng bào.