Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng khẩn trương kiểm tra thông tin về tình trạng bẫy bắt, buôn bán chim hoang dã di cư diễn ra nhức nhối ở Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cát Bà do Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh.
Trước đó, từ ngày 30/11 đến 3/12/2020, Báo Điện tử VietnamPlus đã đăng tải loạt bài "Giải cứu chim trời Cát Bà - Bảo vệ Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới” phản ánh tình trạng bẫy bắt, buôn bán chim hoang dã di cư đã và đang diễn ra rầm rộ tại Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cát Bà, dẫn tới nguy cơ mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến cam kết quốc tế về phát triển bền vững mà Việt Nam tham gia.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi bẫy bắt chim hoang dã di cư tại các khu vực trên đảo, người dân đi bẫy bắt chim và các “đầu nậu” đã vặt lông, thui sống, chế biến, vận chuyển chim đông lạnh đi tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận, thậm chí chuyển vào tận Ninh Bình, thành phố Vinh và Đà Nẵng...
Điều đáng nói là việc bẫy bắt, sát hại chim trời ở Cát Bà đã diễn ra và kéo dài 20 năm, song đến cuối tháng 11/2020, cơ quan chức năng địa phương, lực lượng kiểm lâm khu vực vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.
Về việc trên, tại văn bản số 10318/VPCP-NN do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục ký ngày 9/12 nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã, nhất là tại Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cát Bà./.
Các bài viết liên quan:
[Bài 1: Cát Bà ngày tĩnh lặng, đêm vang vẳng tiếng chim đảo kêu trời]
[Bài 2: Hành trình xuyên đêm thâm nhập vào “lãnh địa tận diệt chim trời]
[Bài 3: Vấn nạn ‘tận diệt chim trời’: Dẹp bỏ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa?]
[Bài 4: Ngăn chặn nạn ‘tận diệt’ chim đảo Cát Bà: Việc làm không thể trì hoãn]
[Đề nghị Hải Phòng kiểm tra, xử lý vấn nạn “tận diệt” chim trời Cát Bà]