Thi hành quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022.
Nghị định 104 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cấp các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ tra cứu, khai thác thông tin cá nhân, không gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.
Dù hạ tầng dữ liệu đầy đủ...
Để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính công, Luật Cư trú năm 2020, trong đó có quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023, Bộ Công an đã hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như các điều kiện kỹ thuật để các bộ, ngành, địa phương khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an đã chuẩn bị các điều kiện, giải pháp phục vụ quy định của Luật Cư trú về bỏ sổ hộ khẩu giấy và tạm trú giấy.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết: “Có hai phần việc quan trọng và khó nhất, đó là xây dựng hạ tầng dữ liệu và pháp lý thực hiện Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạm trú giấy thì Bộ Công an đã hoàn thành trước thời điểm 1/1/2023.”
[Thủ tướng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn khi bỏ sổ hộ khẩu]
Đến nay, nhiều địa phương đã thường xuyên tra cứu, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính như Hà Nội: 202.512 lượt; Thành phố Hồ Chí Minh: 91.964 lượt; Long An: 91.369 lượt; Yên Bái: 112.393 lượt; Điện Biên: 29728 lượt (số liệu tính đến ngày 22/2/2023).
... vẫn gây phiền hà cho dân
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo của Chính phủ nên dẫn đến tình trạng gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân.
Một số địa phương đã kết nối, đảm bảo điều kiện nhưng vẫn hạn chế khai thác, sử dụng thông tin dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính (như: Sơn La: 0 lượt; Vĩnh Long: 4 lượt; Bình Phước: 10 lượt; Hòa Bình: 16 lượt; Hà Giang: 22 lượt; Đắk Nông: 24 lượt; Quảng Nam: 27 lượt); còn 3 tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn chưa hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về nguyên nhân khiến các địa phương hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư, Cục C06 cho rằng việc này xuất phát từ việc các bộ, ngành chưa cắt giảm thủ tục hành chính theo ngành dọc của mình, dẫn đến cán bộ tiếp nhận hồ sơ sợ sai sót, sợ bị kỷ luật nên không thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, qua đó vẫn yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú.
Cùng với đó, cán bộ, công chức khi thực thi công vụ không thực hiện đúng quy định, hướng dẫn, gây khó khăn, phiền hà cho công dân, tạo dư luận xấu.
Thủ tướng chấn chỉnh
Để chấn chỉnh tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ điện: Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu: Thực hiện nghiêm Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ và tổ chức triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, quán triệt đến tất cả sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã và bộ phận một cửa các cấp về việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền; nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm việc kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện thủ tục hành chính.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành trong quý 1/2023.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, địa phương theo phạm vi chức năng quản lý của mình, khẩn trương thực hiện công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện đối với 39 thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ; khẩn trương hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền được giao tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện nghiêm việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo quy định của Luật Cư trú, Nghị định 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021, Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
Các bộ, địa phương kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nguyên nhân, giải pháp khắc phục gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấn chỉnh, xử lý./.