Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất

Thủ tướng: Xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Làm thủ tục tại một văn phòng đăng ký đất đai. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Chỉ thị nêu rõ những năm qua công tác quản lý nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp chưa đầy đủ, kịp thời; một số nội dung quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa nghiêm.

Thêm vào đó, việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất các cấp ở nhiều địa phương còn chậm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý; việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất nông nghiệp dành cho công ích còn nhiều bất cập...

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại hạn chế nêu trên nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương.

Trong đó chú trọng xây dựng, ban hành đầy đủ các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các nghị định, thông tư theo phân cấp; đồng thời rà soát bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không phù hợp hoặc đã hết hiệu lực.

[Chính thức ngưng hiệu lực quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ]

Khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và nâng cao tính khả thi; tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và các đối tượng sử dụng đất; rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch hàng năm mà đã quá 3 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất; rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 1/7/2014; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp khắc phục để thực hiện các dự án, công trình đầu tư.

Chấn chỉnh tình trạng giao đất không đúng quy định

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời.

Tổ chức rà soát các tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất mà theo quy định của pháp luật đất đai thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để chuyển sang thuê đất ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất để tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể bảo đảm chất lượng và thời gian yêu cầu; thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này.

Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về đất đai ở địa phương để bảo đảm tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện; bãi bỏ, điều chỉnh các nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết; các giấy chứng nhận đã ký còn chưa trao cho người được cấp; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để hoàn thành giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng.

Xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tăng cường đẩy mạnh công tác điều tra, khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người, chủ động bố trí quỹ đất và có kế hoạch cụ thể để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài.

Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai.

Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Đẩy mạnh và khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật đất đai hiện hành để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sang làm việc khác theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư; chủ động đề xuất, kiến nghị thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai đối với những dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất mà qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện không đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và đặc thù chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2018; phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước.

Trường hợp có dấu hiệu sai phạm như sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc quản lý không chặt để bị lấn, bị chiếm đất thì kịp thời, kiên quyết xử lý theo quy định để quản lý chặt chẽ hiệu quả quỹ đất quốc phòng, đồng thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm (nếu có) với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2018.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai kéo dài đã nhiều năm và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, hạn chế tình trạng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục