Thủ tướng: Xây dựng nền kinh tế phát triển đa dạng, bền vững, hài hòa

Thủ tướng cho biết Chính phủ phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô được dày công tạo dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề quan trọng, mang tính thời sự được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận xã hội quan tâm.

Thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở nên hùng cường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không chỉ năm 2020, mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã phải đối diện với những thách thức lớn.

Năm nay, tác động của đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhưng với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng ở mức khá.

Theo Thủ tướng, khi bệnh dịch rình rập, tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ xảy ra tại miền Trung, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người dân, các cấp, ngành, đặc biệt là địa phương và lực lượng quân đội đã tập trung toàn lực thực hiện kiên quyết, kịp thời, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn.

[Tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long]

Khẳng định Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương hỗ trợ người dân ổn định lại cuộc sống sau bão lũ, Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết sẽ chỉ đạo đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan, chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, nhằm triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm 2020.

Bên cạnh việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, với nhiều thành tựu đạt được trên các lĩnh vực trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu.

"Mọi thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 trên mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh là thành quả và quyết tâm chung của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực của gần 100 triệu nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ta, nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách. Ý Đảng, lòng dân chính là kim chỉ nam cội nguồn, sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng gửi lời cảm ơn Quốc hội đã ủng hộ, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ suốt gần 5 năm qua; cảm ơn các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể luôn sát cánh, ủng hộ Chính phủ vượt qua những khó khăn, thách thức.

Trong nhiệm kỳ qua, hệ thống hành chính nhà nước đã được tập trung xây dựng, kiến tạo để phát triển liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân và đạt được kết quả tích cực bước đầu.

Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách... được đẩy mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có nơi, có lúc chưa cao; tình trạng bố trí cán bộ bất hợp lý, hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, không hoàn thành chức trách còn chưa được giải quyết, xử lý triệt để.

Về việc xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đạt khoảng 6%, theo Thủ tướng, mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước, nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau để dù trong trường hợp nào cũng vẫn giữ được sự chủ động, chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội tốt nhất cho đất nước; phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô đã được dày công tạo dựng những năm qua.

Để đạt được những mục tiêu nói trên trong xu thế hiện nay, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục kiên trì một số biện pháp, chính sách quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó có việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, với tinh thần trí tuệ, bản lĩnh của dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm.

Ý thức được yêu cầu cấp thiết, cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục, đảm bảo quyền học tập và phát triển của tất cả trẻ em, song, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước mắt cần tập trung chăm lo cho trẻ em, học sinh khu vực miền Trung - nơi chịu tác động nặng nề của bão lũ.

Bên cạnh giáo dục, y tế cũng là vấn đề được toàn dân quan tâm. Cùng với việc nâng cao tính ưu việt của hệ thống y tế công lập, ngành y tế cần kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức, tình trạng “tiền nào của đấy” trong vấn đề về chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

“Chính phủ không bao giờ chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế. Do đó, ngành Y tế phải có trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch về viện phí hơn nữa, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế. Chính phủ sẽ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí cao, vượt khả năng chi trả của người dân,” Thủ tướng khẳng định.

Cùng với các vấn đề về giáo dục, y tế, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội, ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực văn hóa, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát, trình Quốc hội ưu tiên hơn nữa nguồn lực ngân sách nhà nước với cơ chế, chính sách phù hợp cũng như xã hội hóa nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Khái quát tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết diễn ra ngày càng khốc liệt trong thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dù nguyên nhân trực tiếp của thực trạng này là gì, toàn dân cũng cần chung tay bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt.

Là một trong những nước phát triển kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Chính phủ đang tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000km đường đường cao tốc.

Đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển, kết nối đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương, dữ liệu doanh nghiệp và dân cư...

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân hướng đến xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phát triển bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế-xã hội, môi trường mà mọi người dân đều có cơ hội chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước.

"Để làm được điều này, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị của chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim khối óc. Chúng ta có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ cao, chuỗi cung ứng an toàn

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về mục tiêu kép đã triển khai, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam đưa ra mục tiêu xuyên suốt: “ngăn chặn dịch bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho nhân dân.”

Đồng thời, để giữ nền kinh tế không bị âm, Việt Nam giữ vững ổn định xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải quyết việc làm và tăng trưởng ở mức cần thiết.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường để xây dựng nền kinh tế tự chủ, với chuỗi cung ứng an toàn, bảo đảm an ninh lương thực; chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.

Theo Thủ tướng, cần tiếp tục đẩy mạnh thị trường trong nước cùng với xuất khẩu, giữ vững sản xuất nông nghiệp bởi nông nghiệp là nền tảng, là chỗ dựa trong lúc dịch bệnh phức tạp trên toàn cầu.

Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ phải đồng bộ, tạo cân đối cho nền kinh tế; kết hợp với công nghiệp, kinh tế số và một số ngành du lịch, dịch vụ...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, vấn đề thay đổi phương thức làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới, làm thay đổi phương thức lao động, hướng đến phát triển kinh tế không tiếp xúc.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội về bài toán cân đối ngân sách, Thủ tướng Chính phủ cho biết nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6%, dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170.000 tỷ đồng so với năm 2020.

Về giải pháp, Thủ tướng cho biết trước hết, cần phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để vượt mục tiêu 6% GDP; các cấp, ngành, địa phương đều phải tham gia tăng thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA; phát huy hiệu quả đầu tư để giải quyết việc làm, xây dựng hạ tầng tốt nhằm thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình sân bay Long Thành, đường sắt Cát Linh-Hà Đông...

Cùng với tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải thực sự tiết kiệm chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết như họp hành, chuyến công tác nước ngoài...

Tất cả các cấp, ngành phải bám sát dự toán thu chi ngân sách, cương quyết đảm bảo tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% Quốc hội giao.

Khi cần thiết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng chính sách tài khóa phù hợp, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về chất vấn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) trong việc chậm triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã chủ động hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giãn, giảm, miễn thuế, phí...

Tuy nhiên, việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người lao động làm chưa kịp thời, chưa tốt. Thời gian tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Lê Thanh Vân (Cà Mau) về việc chọn nhân tài, thu hút nguồn nhân lực có tài năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng; trình Bộ Chính trị xem xét, nhằm thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước.

“Nhân tài không chỉ nhất thiết phải làm trong cơ quan Đảng, Nhà nước, nhân tài có thể làm ở doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã. Tuy nhiên, Nhà nước phải tìm cách thu hút nhiều người tài vào quản trị đất nước có quy mô dân số gần 100 triệu dân,” Thủ tướng nêu rõ.

Về chất vấn của đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai) về “văn hóa từ chức,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Luật Cán bộ, công chức đã quy định về việc từ chức. Theo đó, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không đủ năng lực, không đủ uy tín theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác chính đáng, được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ nêu rõ, “cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức vụ khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.”

“Để có "văn hóa từ chức," mỗi cán bộ, công chức cần phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng và nhà nước, dưới sự dám sát của nhân dân,” Thủ tướng khẳng định./.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu Quốc hội trước giờ chất vấn. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu Quốc hội trước giờ chất vấn. (Ảnh: TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục