Thủ tướng: Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại

Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên Cờ truyền thống của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 15/9, tại Hà Nội, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (15/9/1945-15/9/2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại buổi lễ.

Tham dự buổi lễ còn có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Diễn văn kỷ niệm do Trung tướng Nguyễn Đức Lâm, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trình bày nêu rõ: Cách đây tròn 70 năm, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ra đời trong bối cảnh Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa mới giành thắng lợi, Nhà nước công nông non trẻ đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách chống lại thù trong, giặc ngoài; ngành Quân giới đứng trước một thực tế vô cùng khó khăn, xây dựng cơ nghiệp từ những con số “không”: Không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản; không có các thiết bị công nghệ sản xuất quốc phòng; không có các loại vật tư nguyên liệu cốt yếu; không có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề…

Thực tế đó không làm nản lòng những cán bộ quân giới đã được Bác Hồ tin cậy, giao nhiệm vụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, đông đảo công nhân, trí thức và các tầng lớp nhân dân đã tình nguyện đóng góp vàng bạc, máy móc, nhà cửa, trí tuệ cùng sức lực của mình để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí cho cách mạng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm binh công xưởng, sản xuất các loại vũ khí, phục vụ kịp thời cho quân và dân ta chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ, rộng khắp.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa xây dựng, vừa chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cán bộ, công nhân quân giới đã cung cấp cho chiến trường hàng chục vạn tấn vũ khí, trang bị các loại.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Quân giới Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.

Trong thời kỳ đổi mới, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã nhanh chóng chuyển đổi cơ chế quản lý, hoạt động; xác định lộ trình, bước đi phù hợp, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực, khoa học-công nghiệp, trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại; tập trung đầu tư trọng điểm cho sản phẩm mũi nhọn; tăng tính lưỡng dụng trong đầu tư phát triển. Đồng thời, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đẩy mạnh sản xuất quốc phòng và kinh tế, duy trì được mức tăng trưởng khá; thích ứng và đứng vững trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

Với những thành tích to lớn đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ngành Công nghiệp quốc phòng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của ngành Công nghiệp quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong suốt 70 năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: 70 năm qua, dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức, người lao động ngành Công nghiệp quốc phòng luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân; nỗ lực thi đua phấn đấu, tô thắm phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên sẽ diễn ra gay gắt ở nhiều nơi. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có nhiều thuận lợi những cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức.

Nhiệm vụ đặt ra đối với Quân đội nhân dân và ngành Công nghiệp quốc phòng là hết sức nặng nề. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, mà trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngành Công nghiệp quốc phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cần quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, góp phần quan trọng, thiết thực nâng cao tiềm lực quốc phòng-an ninh, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mặt khác, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phải đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế; chú trọng việc ứng dụng, từng bước làm chủ, sáng tạo khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại.

Ngành Công nghiệp quốc phòng phải bám sát thực tiễn chiến đấu, huấn luyện, nghiên cứu, cải tiến, sản xuất các loại vũ khí, trang bị, phù hợp với điều kiện của đất nước, đặc điểm địa hình và phương thức tác chiến của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới, góp phần nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang; góp phần vào tiến trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phải xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, nắm vững khoa học quân sự, hiểu biết thực tiễn, có tư duy chiến lược sắc sảo, giỏi về khoa học công nghệ, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; chú trọng đào tạo cán bộ khoa học công nghiệp quốc phòng.

Ngành Công nghiệp quốc phòng cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả khoa học công nghệ quân sự tiên tiến trên thế giới, đưa nền khoa học và công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; có cơ chế chính sách phù hợp để tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của các tổ chức Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy tổ chức, đơn vị. Xây dựng Đảng bộ Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trong sạch vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

gành Công nghiệp quốc phòng thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; các cuộc vận động và phong trào thi đua Quyết thắng của toàn quân; giữ gìn, phát huy phẩm chất và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, làm tốt công tác dân vận, nhất là trên địa bàn đóng quân; tích cực thực hiện công tác hậu phương quân đội, các chính sách xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, nhất trí và sự nỗ lực, sáng tạo của cả tập thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, người lao động, ngành Công nghiệp quốc phòng sẽ ngày càng trưởng thành, vững mạnh, có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục