Thủ tướng: Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo hướng hiện đại

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đa dạng hóa các nguồn lực...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 5/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan về Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chưa được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 413km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 410,8km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 200,7km.

Đến năm 2035, Hà Nội đưa vào khai thác khoảng 397,8km đường sắt đô thị, đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng; sau năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm khoảng 200,7km.

Nhu cầu vốn giai đoạn từ năm 2026-2030, Hà Nội cần khoảng 14,60 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035, cần khoảng 22,57 tỷ USD và giai đoạn 2036-2045, nhu cầu vốn xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội là khoảng 18,25 tỷ USD.

ttxvn_thuong truc chinh phu (5).jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh phát biểu.(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm 12 tuyến, trong đó có 10 tuyến metro có tổng chiều dài khoảng 510km và 2 tuyến đường sắt nhẹ (tramway/LRV) chiều dài khoảng 70km.

Mục tiêu là đến năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh có 31km đường sắt đô thị, vận tải 15-20% hành khách công cộng; đến năm 2045 có 351km và vận tải 40-50% lượng hành khách công cộng; đến năm 2060 có 510km và vận tải 50-60% hành khách công cộng...

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành đến năm 2035 là khoảng hơn 36 tỷ USD, giai đoạn từ năm 2036 đến năm 2045 là khoảng hơn 26 tỷ USD và từ 2046-2060 cần khoảng hơn 40 tỷ USD.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận sôi nổi, phân tích bối cảnh, sự cần thiết đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị; bài học kinh nghiệm phát triển đường sắt đường sắt đô thị tại các nước và Việt Nam; quan điểm, mục tiêu xây dựng đường sắt đô thị; lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và phương án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị; đánh giá tác động của dự án; định hướng phát triển đô thị theo hướng lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch (TOD), kết nối giao thông; nguồn vốn, nhân lực cho phát triển đường sắt đô thị; công nghiệp đường sắt; các cơ chế, chính sách, giải pháp; nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện phát triển đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

ttxvn_thuong truc chinh phu (6).jpg
Thường trực Chính phủ họp về Đề án phát triển đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị các tài liệu liên quan, cũng như các ý kiến tâm huyết, chất lượng của các đại biểu; yêu cầu các đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện đề án để sớm trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tăng trưởng hai con số tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xây dựng Đề án phải tư có duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, cơ bản, hiện đại, tổng thể, bao trùm, mang lại hiệu quả cao; phải nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ càng, toàn diện, sâu sắc để khi triển khai được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời quan tâm phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan; phát triển hệ thống đường sắt đô thị bao gồm cả trên cao và ngầm, đặt trong tổng thể phát triển giao thông của cả nước, nhất là tại thành phố nêu trên.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp hoàn thiện thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình liên quan phát triển đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung.

Bộ hoàn thiện quy hoạch đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung với tầm nhìn xa, theo hướng hiện đại, trên tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì khoét núi, qua ruộng thì đổ đất," tránh các khu dân cư, công trình ngầm, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội để giảm tối thiểu giải phóng mặt bằng, cũng như ảnh hưởng tới dân cư, an ninh, quốc phòng, kinh tế-xã hội khác.

ttxvn_thuong truc chinh phu (7).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đa dạng hóa các nguồn lực bao gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực tư nhân, vốn vay, hợp tác công tư; dành nguồn lực, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, áp dụng khoa học quản trị, vận hành, quản lý, khai thác theo hướng thông minh.

Yêu cầu phân kỳ phù hợp và góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tư duy, cách nghĩ, cách làm hoàn toàn đổi mới; tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình hiện đại đáp ứng thời kỳ phát triển mới.

Cùng với đó là xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt và hệ sinh thái đường sắt theo hướng nhanh, xanh, công nghệ cao; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù trong lựa chọn tư vấn, giám sát, nhà đầu tư, nhà thầu, đảm bảo minh bạch...

Trước mắt, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 25/12/2024 để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của 2 thành phố.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện Đề án, hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư, cơ chế, chính sách...

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đặc biệt phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong suốt quá trình triển khai Đề án quan trọng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục