Chiều 21/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Dự Hội nghị tại đầu cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Tham dự tại điểm cầu các địa phương đang có dịch COVID-19 và địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất lớn là các Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
[Hà Nội cho phép mở lại dịch vụ ăn uống trong nhà từ 0 giờ ngày 22/6]
Tại hội nghị, các ngành, địa phương đã thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, cũng như tại các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và nguy cơ phức tạp như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương; công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là các hoạt động xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly các địa điểm liên quan đến bệnh nhân mới mắc COVID-19; công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 tại một số điểm nóng; công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các ngành, địa phương cũng thông tin về thực hiện Chiến lược vaccine (nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, phân phối, tiêm vaccine), tiến tới miễn dịch cộng đồng; hoạt động ủng hộ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các địa phương báo cáo về tình hình sản xuất-kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội; công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; có thể bùng phát bất cứ nơi nào, lúc nào. Do đó, chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác và cần rút kinh nghiệm trong phòng, chống dịch để điều chỉnh cách làm, cách tiếp cận, phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả đạt được trong phòng, chống dịch là rất tích cực, Chính phủ biểu dương một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Y tế, thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch nên tình hình có chiều hướng tốt, cần tiếp tục bảo vệ và phát huy thành quả.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương xác định rõ mục tiêu là ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19, nhanh chóng ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, phục vụ mục tiêu "kép," ngăn dịch để ổn định sản xuất kinh doanh, với phương châm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; trong đó, tập trung hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nhất là tại các khu công nghiệp.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 là “chống dịch như chống giặc,” lấy người dân là chủ thể trung tâm, huy động cả thệ thống chính trị và toàn dân vào chống dịch.
Cấp ủy, tổ chức đảng là hạt nhân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị khác cùng với sự hợp tác của người dân ở cơ sở có tính chất quyết định trong phòng, chống dịch; hệ thống chính trị tại cơ sở phải vào cuộc quyết liệt hơn, đặc biệt phải nắm được ở cơ sở; quản lý đối tượng tại địa bàn, phối hợp chặt chẽ hơn giữa công an, quân đội, lực lượng chuyên trách để làm tốt công tác bảo vệ cách ly, an ninh, trật tự, an toàn, an dân; các địa phương, nhất là người đứng đầu, phải phát huy cao độ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự lo, tự chịu trách nhiệm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; sẵn sàng 4 tại chỗ, ứng phó phù hợp, không trông chờ, ỉ lại Trung ương, không mong đợi sự giúp đỡ của cơ quan, tỉnh bạn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện công thức “5K+ vaccine,” tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi vào phòng, chống dịch COVID-19; phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, sớm ổn định tình hình; bao vây, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng; không quá máy móc về đơn vị hành chính mà căn cứ vào tình hình dịch bệnh để thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách linh hoạt và chỉ ở cơ sở; xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sớm là chìa khóa dập dịch thành công...
Về thực hiện “Chiến lược vaccine,” người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các ngành đẩy mạnh các giải pháp, mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Trong đó, các ngành lưu ý phải thống nhất lại một mối, phối hợp thật tốt để đảm bảo cấp phép, quản lý, đảm bảo chất lượng vaccine; chống cạnh tranh giữa tư nhân và nhà nước; tiếp cận một cách bình đẳng, trong sáng vô tư; chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, vaccine; tiếp nhận chuyển giao thần tốc hơn, mạnh mẽ hơn về công nghệ sản xuất vaccine, nhanh chóng đưa sản phẩm vào thử nghiệm rộng rãi hơn; xây dựng cụ thể chiến dịch thần tốc tiêm vaccine ở tất cả các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành.
Thủ tướng lưu ý cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, kêu gọi người dân vào cuộc, truyền cảm hứng, động viên người dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền thật bình đẳng cho các nguồn vaccine để người dân không so bì, chờ đợi.
Về những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn với tinh thần "3 không:" không nói không có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; không được nói không có kinh phí (dù khó khăn, phải kêu gọi hỗ trợ nhưng phải dành nguồn lực để chống dịch); không nói không có sinh phẩm thiết bị.
Đồng thời cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để việc phòng, chống dịch được phù hợp với tình hình và đạt hiệu quả hơn như xây dựng các quy định về mua vaccine; quy định chống dịch trong các khu công nghiệp, các cơ sở y tế, các khu cách ly; tiêu chuẩn, quy định thí điểm cách ly tại nhà; cơ chế xã hội hóa xét nghiệm...
Đối với hoạt động của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong phòng, chống dịch; có chính sách khả thi, phù hợp tình hình, đối tượng dễ tiếp cận nhất có hiệu quả nhất để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp lý giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao các bộ, ngành và các địa phương xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 đảm bảo an toàn, đúng luật, hiệu quả, song giảm tốt đa sự phiền hà cho học sinh, phụ huynh./.