Thủ tướng: Tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung với các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, được tổ chức ngày 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét.

Nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên-Huế 3 người chết, Bình Định 6 người chết, 5 người mất tích, Khánh Hòa 1 người chết); trên 130 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; gần 112.000 nhà bị ngập nước; trên 10.000 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi (hiện các địa phương tiếp tục thống kế thiệt hại).

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết là tỉnh "hứng chịu" thiệt hại nặng nề về mưa lũ, đến thời điểm này mưa, lũ đã làm 31 người chết (trong đó 5 người chưa tìm thấy), 348 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều nhà ngập nước, giao thông nhiều nơi bị chia cắt...Trước tình hình đó, tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp về lương thực (lương khô, nước uống), trên 1000 chủng loại thuốc, 50 ngàn cuốn sách, vở...đồng thời hỗ trợ kinh phí (bằng nguồn vốn ODA) để khắc phục hậu quả của mưa lũ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, tỉnh có nhiều ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước, các tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại lớn.

Bước đầu các địa phương chịu thiệt hại vì mưa lũ đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp 5.850 tấn gạo và 5 tấn lương khô; 8 tấn Cloruamin B và một số chủng loại khác; 300 tấn lúa giống, 20 tấn ngô giống và 5 tấn rau, đậu các loại cùng 102 tỷ đồng kinh phí hỗ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản; 1.282 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi.

Hướng tới những giải pháp khả thi

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đã chủ động, quyết liệt, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ," qua đó góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại.

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, đồng cảm với những khó khăn, mất mát của đồng bào và chính quyền các địa phương vùng bị ngập lũ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan và địa phương khu vực miền Trung tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ phải chủ động, quyết liệt với tinh thần "tự lực tự cường" là chính, "tương thân tương ái," tránh tư tưởng chủ quan; huy động mọi lực lượng, phương tiện, nguồn lực tham gia ứng phó với mục tiêu là bảo đảm an toàn tối đa cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói, rét trong mưa lũ. Các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2263 ngày 15/12.

Trước mắt, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn; tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn đang bị mất tích.

“Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt, cô lập để hỗ trợ lương thực, thực phẩm (lương khô, bánh mỳ, mỳ tôm, gạo,...) cho người dân; chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất,” Thủ tướng yêu cầu.

Đi liền với đó, cần bố trí lực lượng chốt chặn, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vục bị ngập sâu nước chảy xiết; kiên quyết ngăn chặn người và phương tiện đi qua các khu vực nước ngập sâu không bảo đảm an toàn nhằm tránh thiệt hại đáng tiếc do lũ cuốn. Các địa phương căn cứ vào tình hình mưa lũ cụ thể của địa phương mình chỉ đạo, quyết định cho học sinh ở các vùng bị ngập sâu, chia cắt nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Thủ tướng đề nghị các địa phương chỉ đạo, vận hành an toàn các hồ chứa nước (thủy lợi, thủy điện) góp phần giảm lũ cho hạ du nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình. Các tỉnh chịu thiệt hại cũng cần chuẩn bị sẵn phương án, để ngay sau lũ rút đến đâu huy động lực lượng vũ trang, thanh niên và các lực lượng khác hỗ trợ: dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ. Các cơ quan thông tin, truyền thông làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đảm bảo chính xác, kịp thời nhằm tuyên truyền cho nhân dân chủ động phóng tránh, ứng phó với thiên tai, Thủ tướng chỉ thị.

Chia sẻ với những khó khăn mà các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu bởi mưa lũ, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà, hộ nghèo, gia đình chỉnh sách; rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Nhấn mạnh đến tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, Thủ tướng lưu ý cần phát huy và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong việc giúp người dân phòng tránh và gặp nạn bởi mưa lũ. Tiêu biểu như các giáo viên của Trường Mầm non An Hiệp, tỉnh Phú Yên dầm mình dưới mưa lũ suốt nhiều giờ, nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho học sinh trong những ngày vừa qua. Đó là một hành động phi thường, một hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân, về tinh thần, trách nhiệm, sự tương thân tương ái-Thủ tướng nêu ví dụ.

Về lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, địa phương nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thực trạng mưa lũ, ngập lụt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý, khắc phục.

Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, xử lý công trình chưa phù hợp, cản lũ, ảnh hưởng đến an toàn dân cư, không để tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng cản lũ của các công trinh giao thông.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục đầu tư mua sắm theo kế hoạch, trong đó cần tập trung mua sắm các chủng loại phù hợp, cần thiết phục vụ tốt nhất cho công tác cứu hộ cứu nạn tại chỗ để trang bị tới cơ sở (như xuồng cao su), cũng như một số thiết bị chuyên dùng. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương triển khai các Đề án, dự án nhằm tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; các trạm đo mưa tại cộng đồng. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát các quy trinh vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để vận hành phù hợp, tránh tác động tiêu cực do công tác vận hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục