Thủ tướng: TP Hồ Chí Minh 'đi trước đón đầu' trong phòng, chống dịch

Thủ tướng nêu rõ TP.HCM đóng góp rất quan trọng vào công tác phòng, chống dịch, thay đổi tư duy, biện pháp trong phòng, chống dịch, “đi trước đón đầu,” thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 24/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tới thăm, chúc Tết và tặng quà đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.

Phát biểu tại Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành quả mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, mất mát, hy sinh của nhân dân thành phố do tác động của dịch bệnh trong năm 2021.

Thủ tướng nêu rõ thành phố đã đóng góp rất quan trọng vào công tác phòng, chống dịch, thay đổi tư duy, biện pháp trong phòng, chống dịch, “đi trước đón đầu,” thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định trong phòng, chống dịch và giữ được bản lĩnh trong lúc khó khăn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một “thành phố xanh." Đóng góp vào những thành quả chung nói trên, có vai trò nòng cốt của ngành y tế thành phố.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Thành phố đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn, gồm cả những khó khăn, thách thức chung và những khó khăn, thách thức do đặc thù của Thành phố.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, với những diễn biến chưa có tiền lệ, trong lúc chưa có đủ vaccine khi vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta không tránh khỏi những lúng túng ban đầu.

Thành phố có số dân đông nhất cả nước, cơ cấu dân số đa dạng nhất, thành phần dân cư phong phú nhất, với nhiều đặc điểm riêng về dân cư-xã hội. Do đó, trong tổng thể các biện pháp phòng, chống dịch chung cả nước, phải có các biện pháp đặc thù riêng dành cho thành phố, đây là bài toán khó đặt ra trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Thủ tướng chỉ rõ, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã kế thừa và liên tục điều chỉnh, hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe và người dân lên trên hết, trước hết, khi chưa có đủ vaccine và thuốc chữa bệnh, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, trong đó có việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với khoảng 40 triệu người dân.

[Thành phố Hồ Chí Minh tạm ngừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến]

Ở thời điểm khó khăn nhất, thành phố đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp. “Chúng ta đã áp dụng biện pháp di dời dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang rất hiệu quả, có thời điểm, chúng tôi đã tính tới phương án di dời người dân một quận tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng dân số một quận tại Thành phố Hồ Chí Minh tương đương nhiều tỉnh khác, di dời đi đâu? Rất khó khăn!,” Thủ tướng chia sẻ.

Trước tình hình đó, Thủ tướng đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và đi tới quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng áp dụng một số biện pháp như tình trạng khẩn cấp. Lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở với các biện pháp y tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.

Hàng loạt biện pháp quyết liệt đã được triển khai. Trung ương quyết định tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế cho Thành phố và các tỉnh phía Nam, thiết lập hàng trăm trạm y tế lưu động trong thời gian ngắn; điều trị F0, cung cấp thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà; ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, góp phần để Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, trên quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực có hạn. Cả nước đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đến nay, thành phố đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua khó khăn, thách thức, thành phố và ngành y tế thành phố đã trưởng thành lên rất nhiều.

Chúng ta đã sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, dần hình thành và hoàn thiện lý luận và công thức phòng, chống dịch sát tình hình và phù hợp điều kiện Việt Nam với 3 trụ cột (cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất có thể và giải tỏa cách ly nhanh nhât có thể, xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở) cùng công thức "5K+vaccine+thuốc+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác."

Phân tích thêm về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ với sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả nước đã đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện "đa mục tiêu," đất nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng trên nhiều lĩnh vực.

GDP quý 4/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ, kéo GDP cả năm tăng 2,58%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thu đủ chi và thu tăng so với năm 2020; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; làm đủ ăn và có lương thực xuất khẩu; bảo đảm năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt; chuỗi cung ứng lao động được khôi phục nhanh sau khi đứt gãy. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, an ninh trật tự được bảo đảm, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới. Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục sơ kết, tổng kết thực tiễn để phòng, chống dịch tốt hơn, triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch trong năm 2022-2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thần tốc, thần tốc và thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine cho toàn bộ các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi để mở cửa lại trường học từ sau Tết gắn với an toàn dịch bệnh…; tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro, thực hiện hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành y tế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, củng cố năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, phát huy sức mạnh của ngành y tế thành phố. Quan tâm, chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của thành phố.

Với các kiến nghị, Thủ tướng đề nghị có văn bản cụ thể, Thủ tướng sẽ giao các cơ quan khẩn trương rà soát, có giải pháp phù hợp.

Thủ tướng tin tưởng phát huy những thành quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhất định năm 2022, thành phố và ngành y tế Thành phố sẽ đạt được những kết quả, thành tựu lớn hơn nữa, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước./.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chuyện cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng thăm trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem các em ở Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè vẽ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng và trẻ em đang được chăm sóc ở Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho cán bộ, nhân viên và trẻ em Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 24/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính với trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính bé em bé đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tận giường thăm trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng cán bộ, nhân viên và trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục