Thủ tướng tiếp Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá

Thủ tướng mong muốn với vai trò của mình, Ngài Virginijus Sinkevičius sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU ngày càng thực chất, hiệu quả và đề nghị Cao ủy vận động các nước thông qua EVIPA.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Virginijus Sinkevičius, Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 28/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius đang thăm Việt Nam tham dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) tổ chức.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết phát triển xanh, thực hiện các cam kết quốc tế liên quan rừng, biển và đại dương, chống biến đổi khí hậu được Việt Nam coi trọng, thực hiện. Đây cũng là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó Việt Nam đã xây dựng các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển xanh.

Tuy nhiên, là nước đang phát triển, có xuất phát điểm thấp nên trong quá trình chuyển đổi cần đảm bảo công bằng, công lý. Trong đó, đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam về tài chính, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản trị và xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp với Việt Nam và quốc tế.

[Khắc phục thẻ vàng IUU: Số hóa nghề cá để phát triển bền vững]

Về vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, Thủ tướng cho biết sau khi có khuyến cáo của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này, Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục. Trong đó, cùng với việc việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế về bảo vệ biển, đại dương, chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp theo quy định quốc tế, Việt Nam tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho công dân nắm bắt và thực thi các quy định, tạo sinh kế thuận lợi cho người dân để giảm khai thác biển, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, chấn chỉnh các hành vi đánh bắt bất hợp pháp.

Thủ tướng đã có cuộc làm việc trực tuyến với hơn 200 xã, phường có đông ngư dân đánh bắt thủy hải sản để triển khai các nội dung trên.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; trong đó có quan hệ với EU và trong các vấn đề liên quan đại dương.

Đặc biệt, với bờ biển chạy dài hơn 3.000km, Thủ tướng mong muốn EU hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế biển gồm nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; phát triển logistics; bảo vệ nguồn lợi trên biển; khai thác nguồn lợi từ biển, bao gồm năng lượng nắng, gió; đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, hàng hải trên biển.

Thủ tướng mong muốn với vai trò của mình, Ngài Virginijus Sinkevičius sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU ngày càng thực chất, hiệu quả. Trong đó, đề nghị Cao ủy Virginijus Sinkevičius vận động các nước thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Virginijus Sinkevičius, Cao uỷ châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius đánh giá cao nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong thực hiện chính sách xanh, chống biến đổi khí hậu, trong đó có lộ trình hướng tới giảm phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hợp tác tích cực, hiệu quả với EU trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp; cho rằng đây là vấn đề lâu dài và Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả mong muốn.

Cao ủy Virginijus Sinkevičius đề nghị Việt Nam tiếp tục quan tâm và phối hợp với EU trong bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ đa dạng sinh học rừng, biển, đại dương, trong đó có tăng cường chống rác thải nhựa...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với các ý kiến, đề xuất của Cao ủy Virginijus Sinkevičius; đánh giá cao sự hỗ trợ của EU trong vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp; cho biết, Việt Nam đang tích cực khôi phục rừng, nhất là do hậu quả chiến tranh, chất độc dioxin; có các giải pháp bảo vệ đại dương, chống phát thải nhựa...

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang thúc đẩy phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lương, chuyển đổi số, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực của sự phát triển; tin tưởng quan hệ Việt Nam-EU, trong đó có vấn đề chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học rừng, biển đại dương, nông nghiệp ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục