Thủ tướng: Tiềm năng lớn nhưng Tiền Giang phát triển chưa tương xứng

Theo Thủ tướng, Tiền Giang phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, dựa vào khoa học kỹ thuật, Kinh tế Chia sẻ, Chuyển đổi Xanh; Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, Kinh tế Tuần hoàn...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, chiều 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI; giải đáp một số kiến nghị của tỉnh.

Tham dự cuộc làm việc có: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Quy mô tổng sản phẩm đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Tỉnh ủy Tiền Giang, 3 năm qua (2021-2023), trong bối cảnh khó khăn chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đã bám sát các nhiệm vụ, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Bình quân 3 năm tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,9%/năm. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 123.000 tỷ đồng, đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực phi nông nghiệp tăng từ 60,9% năm 2020 lên 62,9% năm 2023; khu vực nông nghiệp giảm từ 39,1% xuống 37,1%. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 55,8 triệu đồng/người năm 2020, tăng lên 69 triệu đồng năm 2023.

Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; giá trị ngành nông, ngư nghiệp của tỉnh cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, sản lượng cây ăn quả đạt 1,77 triệu tấn, tăng 241.000 tấn so với năm 2020. Giải ngân đầu tư công luôn trong tốp đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh chiếm 11,8% toàn vùng, đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

ttxvn_tinh uy tien giang 6.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp đang hoạt động ổn định, với tổng diện tích 816,5ha, thu hút 109 dự án, với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD và 4,56 ngàn tỷ đồng, trong đó có 81 dự án FDI. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh qua các năm, giai đoạn 2021-2023 đạt 12,2 tỷ USD.

Thu hút khách du lịch có bước phục hồi trở lại, năm 2023 đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 67,8% so cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,97%.

Quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tỉnh Tiền Giang đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển Dự án Khu Công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp về tỉnh thực hiện, mời gọi đầu tư; tăng chỉ tiêu phân bổ diện tích đất khu công nghiệp cho tỉnh; bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024; hỗ trợ vốn cho phép tỉnh thực hiện các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất; đầu tư xây dựng trục giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tiền Giang; giải đáp các đề xuất, kiến nghị và gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng Tiền Giang cần tiếp tục phát huy lợi thế vùng đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là lợi thế là cửa ngõ giữa miền Tây với Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; phát huy đặc trưng văn hóa sông nước.

Nhất trí giải quyết các kiến nghị của tỉnh, các đại biểu đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung khắc phục các hạn chế, khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn; huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược; cần tạo dựng một số trung tâm công nghiệp lớn về chế biến, chế tạo, chế biến nông-thủy sản; tăng kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng của tỉnh với khu vực và quốc tế…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang đã đạt được, góp phần vào thành tựu chung của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo Thủ tướng, Tiền Giang là tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức thuận lợi, nhất là về kinh tế biển, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại; hội tụ các yếu tố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, vựa trái cây và vựa tôm-cá của cả nước và những giá trị văn hóa đặc sắc miền sông nước...

Tiền Giang, nổi bật là thành phố Mỹ Tho, một trong những đô thị hình thành sớm nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa kinh tế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ," Tiền Giang là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện.

Tỉnh có điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau và với ưu thế về hệ thống sông rạch, cù lao; bờ biển dài 32 km, có nhiều di tích văn hóa lịch sử, các làng nghề truyền thống, khu sinh thái Đồng Tháp Mười... lợi thế cho phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác; công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, tổng dân số gần 1,8 triệu người, đứng thứ 2 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

"Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, tỉnh Tiền Giang hội tụ đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, là một trong những cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiềm năng lớn nhưng Tiền Giang phát triển chưa tương xứng," Thủ tướng khẳng định.

Xây dựng đề án khắc phục hậu quả, chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long

Chỉ rõ các khó khăn, hạn chế, thách thức của Tiền Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Theo Thủ tướng, Tiền Giang phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, dựa vào khoa học kỹ thuật, Kinh tế Chia sẻ, Chuyển đổi Xanh; Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, Kinh tế Tuần hoàn, phát triển thương mại điện tử...; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tỉnh cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, phải xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Tiền Giang khẩn trương ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp người dân trong tỉnh, tạo đồng thuận trong triển khai.

ttxvn_tinh uy tien giang 4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tỉnh phải chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.

Tiền Giang tiếp tục tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình: một dải, ba tâm, bốn hành lang kinh tế với ba khâu đột phá phát triển quy hoạch tỉnh đã đề ra. Tập trung phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, du lịch theo hướng Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, Kinh tế Tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng du lịch, dịch vụ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp.

Tiền Giang phải tiếp tục nâng cao thứ hạng các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), nâng cao xếp hạng về Chuyển đổi Số, Đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Giữ vững an ninh, quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

ttxvn_thu tuong_tien giang 3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng tin tưởng với tiềm năng sẵn có, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang sẽ tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin và khát vọng mới, đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là những vấn đề chính đáng, cần xem xét, vì đều có mục đích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cụ thể xử lý cho từng đề xuất của tỉnh; giao bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Tiền Giang và địa phương liên quan để giải quyết; trên nguyên tắc bám sát chủ trương, đường lối phát triển đất nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành và căn cứ điều kiện, tình hình và bối cảnh chung, đặc biệt tính hiệu quả của dự án; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.

Nhân dịp này, liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết biến đổi khí hậu khiến Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Tiền Giang xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập và mặn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng đề án căn cơ, tổng thể, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt để triển khai khắc phục hậu quả, chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục