Thủ tướng Thụy Điển kêu gọi bình tĩnh sau vụ đốt kinh Koran

Salwan Momika, 37 tuổi, đã đốt cuốn Kinh Koran trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Medborgarplatsen, trước cửa ngôi đền lớn nhất thủ đô Stockholm.
Thủ tướng Thụy Điển kêu gọi bình tĩnh sau vụ đốt kinh Koran ảnh 1Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/6, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã kêu gọi bình tĩnh sau vụ người biểu tình đốt một cuốn kinh Koran bên ngoài một ngôi đền Hồi giáo ở thủ đô Stockholm ngày 28/6.

Vụ việc trên xảy ra đúng vào thời điểm bắt đầu lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo và kết thúc lễ hành hương hằng năm tới thánh địa Mecca ở Saudi Arabia.

Sau khi được cảnh sát Thụy Điển cho phép biểu tình, Salwan Momika, 37 tuổi, đã đốt cuốn Kinh Koran trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Medborgarplatsen, trước cửa ngôi đền lớn nhất thủ đô Stockholm.

[Hàng loạt nước Hồi giáo lên án hành động đốt Kinh Koran tại Thụy Điển]

Vụ việc đã làm bùng phát sự tức giận trong khắp thế giới Hồi giáo. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Maroc đã triệu đại sứ Thụy Điển để phản đối. Tại Iraq, người biểu tình đã tấn công Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad nhằm phản đối vụ việc.

Phản ứng về việc này, Thủ tướng Kristersson thừa nhận rằng không có lý do gì để “sỉ nhục người khác,” song nhấn mạnh: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc nhiều người phá hoại các Đại sứ quán của Thụy Điển ở nước khác.”

Vụ việc trên xảy ra chỉ 5 tháng sau một vụ tương tự trong cuộc biểu tình tháng 1/2023 ở trước cửa Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Điển, dẫn tới việc tẩy chay hàng hóa Thụy Điển và khiến Ankara quyết định tạm thời ngừng các cuộc đàm phán gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Thụy Điển.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án vụ việc lần này.

Trong khi đó, ngày 29/6, các phương tiện truyền thông Hungary đưa tin Quốc hội nước này sẽ hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển sau khi một ủy ban Hạ viện đã từ chối đề xuất lên lịch biểu quyết về việc này.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Kristersson cho biết: “Rất khó để nói hậu quả sẽ là gì. Tôi nghĩ lúc này chúng ta cần tập trung vào những điều đúng đắn. Điều quan trọng là Thụy Điển trở thành thành viên NATO, chúng ta có nhiều vấn đề hệ trọng và lớn lao để thỏa thuận với nhau”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục