Thủ tướng: Thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia bảo đảm tổng thể, toàn diện, căn cơ, đồng bộ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. (Nguồn: VGP)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 112/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.

Theo Thông báo, chiều 11/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao thời gian qua, một số khó khăn, vướng mắc và vấn đề cấp bách cần giải quyết thời gian tới.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:

Thông tin và Truyền thông là một trong những ngành tiên phong, tích cực thực hiện đổi mới, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm qua.

Đến hết năm 2020, ngành thông tin và truyền thông đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tập thể lãnh đạo Bộ đoàn kết, thống nhất hoạt động, có nhiều đổi mới, sáng tạo, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đạt kết quả tích cực; tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.063.606 tỷ đồng (khoảng 130 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước 105.876 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).

Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin từng bước trở thành hạ tầng số và nền tảng số quốc gia, phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Báo chí, truyền thông từng bước được sắp xếp tinh gọn, thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo nên sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng vào một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực, những kết quả tích cực mà ngành thông tin và truyền thông đã đạt được trong thời gian qua.

Đạt được những thành tựu đó phải kể đến 3 nguyên nhân: thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bám sát thực tiễn; tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành qua các thời kỳ, trong đó có sự tâm huyết, trách nhiệm, sự kế thừa những thành quả của các thế hệ trước; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thông tin và truyền thông cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục, giải quyết như: thực hiện chức năng quản lý nhà nước có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập, nhất là việc xây dựng cơ chế, thể chế; công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch cần được đầu tư thỏa đáng, đúng mức hơn; công tác tham mưu chiến lược cần phải làm tốt hơn.

Thị trường viễn thông đang tăng trưởng chậm lại và chưa bền vững; quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin còn hạn chế; chức năng, nhiệm vụ, bộ máy bên trong vẫn còn trùng chéo, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, bất cập; vi phạm trong hoạt động báo chí, nhất là báo mạng, tạp chí điện tử đang là vấn đề gây bức xúc; kết quả đạt được chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành, cả về nguồn lực con người đến mạng lưới cơ sở vật chất; đổi mới, sáng tạo có nơi, có lúc còn trầm lắng, thiếu tính liên tục.

Để phát huy truyền thống và những thành tựu, thành tích quan trọng đã đạt được qua các thời kỳ, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế, yếu kém kéo dài nhiều năm, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ.

Bộ lưu ý bám sát yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam, xu hướng phát triển trên thế giới, đề xuất phương án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ, trong đó có chức năng liên quan đến quản lý nhà nước đối với các hoạt động chuyển đổi số của nền kinh tế với tinh thần: một việc được giao cho một cơ quan làm tốt nhất chủ trì chịu trách nhiệm.

Công tác tham mưu phải toàn diện, hiệu quả, sát thực hơn; bộ máy phải được tổ chức khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giảm biên chế đi đôi với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện, ban hành các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình thủ tục làm công cụ quản lý để phân cấp mạnh hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu theo tinh thần đoàn kết, trung thành, trung thực, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc một cơ quan, đơn vị, một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một cơ quan, đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm được và làm được tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại); đánh giá cán bộ theo tiến độ và chất lượng công việc; quyết liệt trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong mua sắm, đầu tư, quản lý tài sản công.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đi đôi với huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn.

[Lời hứa và hành động của Chính phủ: Chuyển đổi số để bứt phá]

Bộ xây dựng và quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia bảo đảm tổng thể, toàn diện, căn cơ, đồng bộ, phải có nguồn lực bảo đảm và được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa chiến lược, nền tảng, trong đó đặc biệt lưu ý nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin.

Bộ coi trọng và đầu tư phù hợp, thỏa đáng cho công tác truyền thông, báo chí, xây dựng cơ chế, chính sách, thể chế để phát huy sức mạnh, nguồn lực quan trọng của báo chí, truyền thông, phải làm chủ được truyền thông để lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, khơi nguồn, truyền cảm hứng, sự tự tin dân tộc cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; tiếp tục tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tích cực, phong phú, hiệu quả hơn nữa; dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Đối với một số kiến nghị cụ thể, cơ bản xác đáng, cần được giải quyết, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động làm việc với các cơ quan liên quan, thống nhất phương án xử lý, trình Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì chỉ đạo, xử lý trực tiếp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục