Chiều tối 11/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Trung tâm hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hội nghị lần này cũng sẽ được triển khai trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc… qua cầu truyền hình ở mỗi nước.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan là chuỗi Hội nghị đỉnh cao của năm, một trong những hoạt động quan trọng nhất nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, bao gồm: Cấp cao ASEAN 37, 7 Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Liên hợp quốc; Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Cấp cao của các Nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác; Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Cấp cao Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc; Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 và Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 11.
Ngoài ra, các hoạt động bên lề gồm có Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên của các Nhà lãnh đạo nữ ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) và Hội đồng kinh doanh Đông Á (EABC).
Tại phiên bế mạc, Việt Nam sẽ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu quan trọng. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc.
[Văn kiện Hội nghị cấp cao ASEAN 37 tạo cơ sở hợp tác, phục hồi kinh tế]
Bên cạnh công tác chuẩn bị về nội dung, công tác chuẩn bị kỹ thuật cũng đã được chuẩn bị tốt nhất. Những ngày qua, các hội nghị cấp Bộ trưởng cũng đã triển khai thuận lợi.
Sau khi đi kiểm tra các địa điểm tổ chức các sự kiện và nghe báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác chuẩn bị, từ cơ sở vật chất kỹ thuật, đường truyền, công tác đảm bảo an ninh.
Phát huy kinh nghiệm từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 cũng theo hình thức trực tuyến diễn ra vào tháng Sáu vừa rồi, Thủ tướng yêu cầu việc bố trí phát hình ảnh của nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia tham dự hội nghị phải đảm bảo sự trân trọng, chất lượng cao. Cùng với đó là công tác chuẩn bị tốt, chu đáo các điều kiện về kỹ thuật để các đại biểu dự hội nghị có thể dễ dàng phát biểu thảo luận, tránh các rủi ro về đường truyền, sự cố kỹ thuật trong quá trình diễn ra các sự kiện.
Trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, phiên khai mạc sẽ có khoảng 250 khách mời quốc tế và trong nước tham dự. Ngoài ra, khoảng 300 nhà báo trong nước và quốc tế tác nghiệp đưa tin.
Thủ tướng yêu cầu công tác tổ chức phải đảm bảo các biện pháp an toàn về dịch bệnh. Cùng với đó, việc đón tiếp khách phải đảm bảo trọng thị, chu đáo, an toàn, thể hiện sự hiếu khách của nước chủ nhà. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà báo trong và ngoài nước tác nghiệp, đưa tin về các phiên của Hội nghị, quảng bá hình ảnh của Việt Nam.
Đối với nội dung các sự kiện, nhấn mạnh vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các kịch bản và nội dung phải có chất lượng cao, đưa ra thảo luận toàn diện các vấn đề mà khu vực ASEAN quan tâm, qua đó thúc đẩy hợp tác, đoàn kết trong ASEAN, trong đó có việc phối hợp kiểm soát dịch bệnh COVID-19; nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức…/.