Sáng 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các ngân hàng Thương mại Nhà nước cùng dự.
Tại cuộc họp, sau khi nghe các bộ, ngành liên quan trình bày báo cáo tình hình, Thường trực Chính phủ, đại diện các bộ, ngành liên quan đánh giá hiện nay, các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, trong đó có chính sách về tài chính, tiền tệ đang được triển khai thực hiện; tình hình thanh khoản, hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân tăng lên; một số vướng mắc tại các dự án bất động sản, nhất là ở các thành phố lớn được tập trung tháo gỡ, nhất là các vướng mắc liên quan thể chế…
[Thường trực CP họp bàn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh]
Tuy nhiên, các thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn còn khó khăn; chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội triển khai chậm, trong khi tình hình kinh tế thế giới dự báo vẫn diễn biến khó lường, trong nước không loại trừ bộc lộ những khó khăn nội tại.
Nguyên nhân một phần do vẫn còn vướng về mặt pháp lý, song phần lớn là do khâu thực hiện còn hạn chế. Do đó, cùng với tiếp tục rà soát thủ tục, điều chỉnh pháp lý, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, trong đó cần chỉ rõ, cụ thể hóa từng việc và xác định rõ trách nhiệm trong việc thực thi.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp lý, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào cho tốt để các chính sách đi vào cuộc sống, để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực phát triển, góp phần thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản đã ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện; đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, “việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ có kết quả” đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Đối với thị trường tài chính, hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giám sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật; thực hiện giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có đủ điều kiện để thanh toán cho các trái chủ, theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với thị trường bất động sản, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành các công trình, dự án đưa các sản phẩm vào thị trường. Cùng với đó, giải quyết các thủ tục hành chính quy hoạch; doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại các phân khúc; sử dụng hiệu quả nguồn vốn 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước có lượng tín dụng chiếm đa số trong hệ thống ngân hàng, chi phối lượng tín dụng vận hành trong nền kinh tế; do đó các ngân hàng cần tham gia vào dẫn dắt thị trường tài chính, hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
Trong số đó, tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của người dân, doanh nghiệp; tăng tiếp cận vốn, hấp thu vốn của người dân, doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định trách nhiệm của Chính phủ là chỉ đạo, điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; chính sách tiền tệ hợp lý, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành trong việc tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; tập trung hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch; xử lý các vướng mắc về đất đai; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; thúc đẩy, sớm điều chỉnh gói hỗ trợ lãi suất 2%; tiếp tục xem xét cắt giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí; khẩn trương hoàn thiện đánh giá tác động và đề xuất phương án để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước xác định “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của sự phát triển;” trong lúc khó khăn, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Nhà nước bằng công cụ của mình đưa ra các giải pháp hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân.
“Giải pháp của Chính phủ là chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, chứ không phải là áp dụng các biện pháp cực đoan, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế,” Thủ tướng khẳng định./.