Thủ tướng: Thành phố Hồ Chí Minh cần được phân cấp, phân quyền tối đa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về mặt nguyên tắc về việc Thành phố Hồ Chí Minh cần được phân cấp, phân quyền tối đa, từ đó tạo sự chủ động, sáng tạo của thành phố.
Thủ tướng: Thành phố Hồ Chí Minh cần được phân cấp, phân quyền tối đa ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 6/9, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị và kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước.

Triển khai Nghị quyết 16, trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 9,6%, gấp 1,63% bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người. Thu ngân sách đạt 1,2 triệu tỷ đồng, đạt 103,22% chỉ tiêu Trung ương giao, đóng góp 27,8% vào nguồn thu ngân sách quốc gia; trong đó chi cho đầu tư phát triển rất cao, lên đến trên 40% tổng chi.

Tuy nhiên, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2017-2020 không những không tăng mà còn bị giảm xuống còn 18% (so với tỷ lệ 23% trước đây, ngân sách thành phố mất nguồn thu hơn 9.000 tỷ đồng năm 2017, giai đoạn 2017-2020 mất nguồn thu hơn 40.600 tỷ đồng). Việc tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu chưa được thực hiện; ngoài nguồn vốn ODA cho các dự án trọng điểm, nguồn vốn hỗ trợ cho thành phố từ các chương trình mục tiêu không đáng kể; các khoản thưởng vượt thu ngân sách theo quy định không được đảm bảo (như thành phố đề nghị thưởng vượt thu năm 2015 theo quy định 10.001 tỷ đồng nhưng chỉ được cấp lại 449 tỷ đồng).

Thời gian qua, chủ yếu thành phố tự cân đối ngân sách đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn; các công trình giao thông cửa ngõ, kết nối vùng do Trung ương đầu tư còn hạn chế, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh (hiện nay có hơn 7,8 triệu xe: 7,2 triệu xe môtô, 622.000 xe ôtô) làm ùn tắc giao thông thường xuyên, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số, quy mô kinh tế, đóng góp ngân sách nhà nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu.

Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh không khác gì so với các địa phương khác. Song do có các đặc thù, lợi thế, nên trong điều kiện chung, thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn cả nước.

Tuy nhiên, đặc thù của Thành phố đều có 2 mặt. Dân số đông nhất cả nước và gia tăng liên tục trong hơn 40 năm, một mặt là nguồn nhân lực cho Thành phố phát triển, mặc khác với mật độ dân số gấp 15-20 lần cả nước hiện nay, cường độ kinh tế (GDP/km2) gấp 30-40 lần cả nước thì nhu cầu về giao thông trên 1 km2, nhu cầu cấp nước sạch, xử lý chất thải, trường học, khám chữa bệnh (trên 1 đơn vị diện tích) gấp hàng chục lần cả nước. Giải quyết các vấn đề này đòi hỏi mức độ đầu tư trên 1 đơn vị diện tích cũng gấp hàng chục lần cả nước.

Góp ý với cán bộ chủ chốt của thành phố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu vấn đề, xu hướng gia tăng dân số cơ học cao đang gây áp lực lớn lên hạ tầng của thành phố và vấn đề nhà ở. Việc kiểm soát dân cư, giảm số lượng cư dân trong nội đô; sự phân công hợp tác vùng chưa rõ đang gây khó khăn cho tiến trình phát triển của thành phố.

Ngoài ra, chất lượng công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải còn thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác bảo vệ môi trường, khí thải, chất thải của địa phương này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị thành phố tiếp tục rà soát, làm mới quy hoạch nhằm kiểm soát tốt hơn dân cư, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị thành phố cần nghiên cứu xây dựng đề án thu hút các tập đoàn đa quốc gia có mặt đầu tư vào địa bàn. Cùng với đó là xây dựng đề án phát triển các ngành nghề kinh doanh mới nổi; nghiên cứu xây dựng thành phố theo hướng mô hình khu kinh tế tự do.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến mục tiêu đánh giá tổng quan, kiến nghị cơ chế chính sách đặc biệt để Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn, tiếp tục gặt hái thêm những thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng với vai trò, vị trí của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đầu tầu phát triển kinh tế khu vực phía Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy tiềm năng lợi thế, vươn lên phát triển mạnh mẽ mà gần đây nhất là Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Những kết quả kinh tế-xã hội của thành phố được Đảng, Nhà nước đánh giá là to lớn, toàn diện và liên tục.

Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội của thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ, Thủ tướng cho rằng việc tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cơ chế, chính sách cho thành phố phát triển là yêu cầu cấp thiết.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo chung trong xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh là phát huy thế mạnh, tiềm lực, tạo sức lan tỏa cho trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; đồng thời bảo đảm kết nối hài hòa với các vùng kinh tế các khu vực khác của cả nước.

Thống nhất với quan điểm được nhiều bộ, ngành nêu ra tại cuộc họp là xây dựng một cơ chế đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững hơn, Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc về việc thành phố cần được phân cấp, phân quyền tối đa, từ đó tạo sự chủ động, sáng tạo của thành phố gắn với đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng: Thành phố Hồ Chí Minh cần được phân cấp, phân quyền tối đa ảnh 2Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng lưu ý các cơ chế chính sách đặc thù đưa ra phải tuân thủ luật pháp, Hiến pháp. Ban Cán sự Đảng Chính phủ ủng hộ phân cấp ủy quyền theo hướng cho phép Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ của các bộ, ngành và Chính phủ trong việc phê duyệt một số loại dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch theo một số nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, Chính phủ trên địa bàn.

Song song với việc phân cấp, Thủ tướng yêu cầu các bộ và Thành phố thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện những vấn đề phân cấp này.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương về việc cho phép thành phố huy động vốn theo hình thức PPP hoặc vay để triển khai các dự án do Trung ương tài trợ một phần hoặc toàn bộ nhưng chưa bố trí được vốn. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu xử lý, báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương để Thành phố Hồ Chí Minh được quyết định mức trả thu nhập cho cán bộ công chức và người làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước theo khả năng ngân sách Thành phố và hiệu quả lao động, trên cơ sở khoán quỹ lương và biên chế.

Về thành lập Ban chỉ đạo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng làm Trưởng ban, Thủ tướng đồng ý về chủ trương và cho rằng đối với hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam thì cùng với Thủ tướng làm Trưởng ban, cần có một Phó Thủ tướng làm Phó ban để thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục