Thủ tướng: Thành lập Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Hội đồng có tên giao dịch tiếng Anh là National Council for Cultural Heritage; là cơ quan tư vấn của Thủ tướng về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Du khách đến tham quan cửa Hành cung trong khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: TTXVN)
Du khách đến tham quan cửa Hành cung trong khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1522/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

Hội đồng có tên giao dịch tiếng Anh là National Council for Cultural Heritage. Hội đồng là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hội đồng thực hiện tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ với hai hình thức: tư vấn theo yêu cầu và tư vấn độc lập.

Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, chiến lược, các chính sách lớn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích quốc gia đặc biệt; công nhận bảo vật quốc gia; đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản; thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành…

[Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội]

Hội đồng còn có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ về di sản văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tham gia ý kiến đối với các vấn đề quan trọng khác về di sản văn hóa do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoặc Hội đồng thấy cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ…

Thành phần tham gia Hội đồng có số lượng không quá 27 thành viên gồm: Chủ tịch, một Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, một Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, một ủy viên thường trực và các ủy viên Hội đồng.

Ủy viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, năng lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, bảo tàng, kiến trúc, tài nguyên và môi trường, di sản tư liệu và các chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, bảo đảm đại diện cho các vùng, miền, có đủ sức khỏe và thời gian để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hội đồng có các nhóm ngành chuyên môn được thành lập phù hợp với chương trình hoạt động nhiệm kỳ của Hội đồng; khuyến khích và ưu tiên lựa chọn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế với UNESCO về di sản văn hóa.

Nhiệm kỳ công tác của các thành viên Hội đồng là 5 năm. Thành viên Hội đồng tham gia không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục