Thủ tướng tham dự Hội nghị 21 Công ước khung LHQ về Biến đổi khí hậu

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris,
Thủ tướng tham dự Hội nghị 21 Công ước khung LHQ về Biến đổi khí hậu ảnh 1

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp từ ngày 30/11-1/12.

COP21 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia tăng cường nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu.

Đây là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015 được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm, tiếp theo hội nghị toàn cầu về giảm rủi ro thiên tai, hội nghị quốc tế về tài chính cho phát triển và Hội nghị thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triền bền vững.

Mục tiêu chính của COP21 là thông qua một số khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015), theo đó các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy nếu các nước không nỗ lực cắt giảm phát thải thì nhiệt độ trái đất có thể tăng đến 4,8 độ C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ là thảm họa đối với nhân loại: mực nước biển có thể dâng cao đến 2 mét, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ và các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trù phú trên trái đất.

Tuy nhiên, do khác biệt về quan điểm và lợi ích nên hơn 20 năm qua, kể từ khi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thông qua vào năm 1992, các nước vẫn chưa đạt được đồng thuận về một thỏa thuận mới chi tiết hóa các nội dung của UNFCCC.

Bước sang năm 2015, các tác hại ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đối với nhân loại và sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã tạo đà thúc đẩy các quốc gia tích cực thương lượng nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu.

Nếu thỏa thuận toàn cầu này được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thảo lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.

COP21 sẽ đánh giá lại quá trình thực hiện UNFCCC trong giai đoạn từ 2013-2015; xem xét và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như Cơ chế Warsaw về Tổn thất và Thiệt hại do tác động của Biến đổi khí hậu, phát triển và chuyển giao công nghệ, vấn đề tài chính, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới, tăng cường năng lực.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ COP21 sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 11 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto, Cơ quan thực hiện Công ước, Cơ quan Tư vấn Khoa học và Công nghệ và nhiều sự kiện bên lề do các nước và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tổ chức...

Phiên họp cấp cao dành cho các Nguyên thủ và Thủ tướng được tổ chức vào ngày 30/11, ngày đầu tiên của COP21 để khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất ngay khi bước vào COP21 và định hướng cho đoàn đàm phán của mình tham gia thương lượng trong hai tuần tiếp theo nhằm đạt được Thỏa thuận Paris.

Dự kiến sẽ có khoảng 40.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự COP21. Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chủ trì phiên khai mạc Phiên họp cấp cao.

Tham gia phát biểu tại Phiên Khai mạc có Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch COP20 Peru và Chủ tịch COP21 Pháp.

Hiện có 129 lãnh đạo cấp cao các nước gồm 82 Tổng thống và 47 Thủ tướng đã khẳng định tham dự và phát biểu tại Hội nghị, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Nga, Tổng thống Pháp, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Anh, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản và Lãnh đạo cấp cao nhất của nhiều nước phát triển và đang phát triển khác.

Để đảm bảo mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất vào năm 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các nước cũng đã thể hiện cam kết quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính (INDC). Hiện đã có 150 bản INDC nộp tới Ban thư ký UNFCCC, trong đó có Việt Nam.

Thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển đã tích cực phối hợp chặt chẽ để hoàn thành Báo cáo INDC của Việt Nam. INDC của Việt Nam nộp ngày 30/9 vừa qua gồm hai hợp phần gồm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước (các hoạt động vô điều kiện) và những hoạt động có thể được thực hiện nếu nhận được hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế...

Trong đó Việt Nam cam kết vào năm 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và 25% nếu nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế; thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm các hoạt động đang được thực hiện, những thiếu hụt trong thể chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ, các biện pháp thích ứng cho giai đoạn 2021-2030.

Là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đã từ lâu, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng và đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.

Dự kiến, cùng với phát biểu tại Phiên họp cấp cao COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đồng chủ trì Đối thoại cấp cao về ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại Khu trưng bày Việt Nam trong Trung tâm hội nghị.

Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu là nhằm triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục