Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 14/9, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề cập đến khả năng sử dụng lại các bản hiến pháp trước đây, bao gồm cả bản dự thảo vừa bị bác bỏ, trong trường hợp dự thảo hiến pháp mới không vượt qua được cuộc trưng cầu ý dân.
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn thảo luận về Kế hoạch phát triển Kinh tế-xã hội lần thứ 12 của Thái Lan, ông Prayut cho biết ông không có ý định sửa đổi bản hiến pháp lâm thời nếu dự thảo hiến pháp mới không được thông qua tại cuộc trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, ông đã đề cập đến khả năng xem xét việc tích hợp các bản hiến pháp 1997 và 2007 cùng với bản dự thảo hiến pháp vừa bị Hội đồng Cải cách quốc gia bác bỏ, để cho ra đời một bản hiến pháp mới.
Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan còn khẳng định ông thấy cần phải có một cơ chế như Ủy ban Hòa giải và Cải cách chiến lược quốc gia (NSRRC) và các chính trị gia, trong đó có lãnh đạo Đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cần phải hiểu là họ sẽ không còn có thể lạm dụng quyền lực một khi giành được thắng lợi trong bầu cử.
Điều khoản về việc thành lập NSRRC, còn gọi là Ủy ban ứng phó khủng hoảng, là nội dung gây tranh cãi nhất trong dự thảo hiến pháp vừa bị bác bỏ.
Các nhà quan sát nhận định đây chính là điều khoản đảm bảo sự can thiệp của quân đội vào chính trường và duy trì quyền lực cho các tướng lĩnh tham gia đảo chính dù đã có một chính phủ mới sau tổng tuyển cử./.