Thủ tướng Tây Ban Nha khẳng định người Catalonia đã bị lừa dối

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 1/10 khẳng định rằng người dân vùng Catalonia đã bị lừa dối và không hề có cuộc bỏ phiếu về vấn đề độc lập cho vùng này.
Cảnh sát ngăn dòng người tuần hành kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập vùng Catalunya trên quảng trường Puerta del Sol ngày 1/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Âu, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 1/10 khẳng định rằng người dân vùng Catalonia đã bị lừa dối và không hề có cuộc bỏ phiếu về vấn đề độc lập cho vùng này trong cùng ngày.

Theo Thủ tướng Rajoy, hầu hết người dân Catalonia đã không muốn tham gia vào cuộc trưng cầu ý dân mà chính quyền vùng lên kế hoạch tổ chức. Ông Rajoy cũng nhắc lại rằng các lãnh đạo vùng Catalonia biết rõ cuộc bỏ phiếu này là bất hợp pháp, nhưng họ vẫn tiếp tục tiến hành.

Bình luận về những thông tin mới nhất về việc đã xảy ra các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình trong cuộc bỏ phiếu, ông Rajoy đã bày tỏ lời cảm ơn đến các cơ quan thực thi luật pháp vì đã thực hiện bổn phận của mình.

Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Rajoy đã kêu gọi chính quyền vùng Catalonia chấm dứt việc đi theo con đường mà ông cho rằng "chẳng hề dẫn đến đâu cả." Ông còn cho hay sẽ kêu gọi tổ chức một cuộc gặp với tất cả các chính đảng để cùng nhau xem xét về tương lai của đất nước.

Trước đó, Thủ tướng Rajoy đã kêu gọi lãnh đạo vùng Catalonia hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân, đồng thời khẳng định "vẫn còn thời gian" để tránh làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Ông Rajoy cũng hối thúc các chính trị gia vùng Catalonia phải tuân thủ luật pháp, chấm dứt mọi hành vi bất tuân dân sự và ngừng các hành động quá khích khiến tình hình leo thang căng thẳng.

Trong khi đó, cơ quan y tế vùng Catalonia cho hay số người bị thương trong các vụ đụng độ với cảnh sát đã lên tới 761 người. Theo số liệu trước đó thì chỉ có khoảng 460 người bị thương. Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng của Chính phủ Tây Ban Nha chưa công bố thông tin chính thức về số người bị thương trong các vụ đụng độ ở Catalonia.

Các điểm bỏ phiếu ở Catalonia đã đóng cửa vào tối 1/10 theo giờ địa phương và các quan chức vùng nói rằng tiến trình kiểm phiếu có thể mất một khoảng thời gian dài và sẽ vấp phải nhiều khó khăn.

Tòa án Hiến pháp và chính quyền trung ương Tây Ban Nha từ trước đến nay luôn khẳng định cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia là vi hiến, đồng thời đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Tây Ban Nha hiện đang thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn âm mưu của một số bộ phận muốn Catalonia tách khỏi nước này.

[Tây Ban Nha coi cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia là 'hài kịch']

Chính quyền trung ương Tây Ban Nha ngày 1/10 tiếp tục tăng cường trấn áp các hành động của chính quyền vùng Catalonia nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp đòi độc lập cho vùng này.

Một số vụ đụng độ giữa những người biểu tình chống đối quá khích và cảnh sát đã diễn ra trong ngày 1/10 - ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo như kế hoạch của chính quyền Catalonia. Cơ quan y tế vùng cho biết hơn 300 người đã bị thương. Giới phân tích cho rằng, dù thế nào đi nữa thì Chính phủ Tây Ban Nha cũng kiên quyết ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp này và sẽ không bao giờ công nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu.

Xét trên phương diện pháp lý, đây là cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp, căn cứ vào 2 điểm sau. Thứ nhất, Hiến pháp Tây Ban Nha quy định chỉ có chính quyền trung ương mới có thẩm quyền tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy, còn chính quyền vùng không có thẩm quyền trong việc này. Thứ hai, theo luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là luật của Liên minh châu Âu (EU), không hề có điều khoản nào hỗ trợ về mặt pháp lý cho một cuộc trưng cầu ý dân như ở Catalonia.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans từng nhấn mạnh, người dân của một nước thành viên EU phải tuân thủ luật pháp và hiến pháp nước đó, dù có thích hay không, đó là nguyên tắc pháp trị. Theo ông Timmermans, bất kỳ hành động nào diễn ra ở một nước thành viên EU đều phải hợp hiến.

Tòa án Hiến pháp và chính quyền trung ương Tây Ban Nha từ trước đến nay luôn khẳng định cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia là vi hiến, đồng thời đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của EU. Chính phủ Tây Ban Nha hiện đang thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn âm mưu của một số bộ phận muốn tách Catalonia. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều nguồn tin dự báo các cuộc biểu tình của những bộ phận đòi tách Catalonia sẽ vẫn tiếp diễn trong những ngày tới.

Catalonia là một vùng giàu có ở Đông Bắc của Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài.

Vấn đề Catalonia nếu không được dập tắt sẽ có nguy cơ đe dọa đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng như của Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, do Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nên những bất ổn ở Catalonia cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Tây Ban Nha nói riêng và kinh tế của Eurozone nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục