Thủ tướng: Tập trung cải cách hành chính, chống gây sách nhiễu cho DN

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; chống gây sách nhiễu cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Dự hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức và 1.200 đại biểu đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết từ khi dịch COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp cả trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nắm bắt tình hình, kiến nghị của doanh nghiệp và đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên tinh thần “càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải đoàn kết, càng dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau để vượt qua khó khăn, thách thức,” Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị này nhằm tiếp tục lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, cùng cả nước “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19,” từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lây lan ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Ngoài ra còn có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo các Nghị quyết khác của Chính phủ như: chính sách về thực hiện linh hoạt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; các nghị quyết về giảm tiền điện, cước viễn thông; tạo “luồng xanh” lưu thông hàng hóa; về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách tài khóa khác; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong một thời gian gần đây, Quốc hội đã ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ, tích cực, làm việc ngày, đêm để cùng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp.

[Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp]

Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19,” trong đó có giải pháp để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; đã đề xuất với Quốc hội sửa nhiều luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, năng lực, thời gian có hạn; dịch bệnh không có tiền lệ, diễn biến khó lường, cần tập trung cao nên có những vấn đề đã làm được, song cũng có những vấn đề chưa làm được. Thông qua hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp để tạo ra sự đồng thuận, cùng nhau đưa đất nước phát triển.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lây lan khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải phong tỏa khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8/2021 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Quyết tâm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua; hoan nghênh chủ trương chuyển mục tiêu “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19;” đồng thời tỏ rõ quyết tâm cùng Chính phủ và nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh, khôi phục, thúc đẩy sản, xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu cũng phản ánh tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều đề xuất, kiến nghị như cần xác định doanh nghiệp cũng là “pháo đài” để doanh nghiệp được chủ động phòng, chống dịch và phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp và cho phép người lao động an toàn dịch bệnh được đi về giữa nơi làm việc và nơi ở; cho mở cửa đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có người lao động đã tiêm đủ 2 liều vaccine; cho phép đón khách du lịch trong nước và quốc tế, có điều kiện an toàn dịch bệnh theo phương châm “5 xanh”...

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ rào cản làm ách tắc lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương; công nhận kế quả xét nghiệm, kiểm dịch một lần, cách ly một lần đối với người di chuyển giữa các địa phương; linh hoạt trong thực hiện các quy định về chính sách nhập cảnh đối với chuyên gia; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ; tiếp tục có chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, phí; chuẩn bị mặt bằng khu công nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới...

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ: Giao thông Vận tải; Lao động-Thương binh và Xã hội; Công Thương; Thông tin và Truyền thông... đã phát biểu tiếp thu, làm rõ hơn và giải đáp các phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp

Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã sát cánh, chia sẻ, đóng góp, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19 và nỗ lực duy trì, phát triển kinh tế- xã hội nói riêng, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung.

Theo Thủ tướng, trong quá trình phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua cho thấy mặc dù có nhiều thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới, song đất nước ta vẫn còn những khó khăn, nhất là trong điều kiện phải chống dịch. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau chung tay để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, trong đó có nâng cao năng lực về y tế và quản trị y tế tốt hơn.

Qua hội nghị hôm nay và các hội nghị, tiếp xúc, trao đổi, đối thoại vừa qua cho thấy, các doanh nhân, doanh nghiệp đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, thể hiện rõ khát vọng dân tộc trong mỗi người, mong muốn góp sức xây dựng đất nước ta bình an và phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết các đại biểu dự hội nghị đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” và Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, do chính sách có phạm vi rộng lớn, song lại khoanh hẹp đến tận phường, xã, thị trấn, thậm chí đến tổ dân phố, ấp, bản, thôn và tác động tới toàn bộ các đối tượng là nhân dân, doanh nghiệp…, nên phải có bước đi thận trọng, chắc chắn, rõ đến đâu làm đến đó, vừa làm vừa bổ sung, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm rồi hoàn thiện dần.

Trong phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo khi có dịch, các địa phương thực hiện theo hướng phong tỏa hẹp nhất có thể; phòng, chống dịch dựa trên 4 trụ cột là cách ly, xét nghiệm, điều trị và ý thức của nhân dân.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng chính sách thì thống nhất từ trên xuống dưới, nhưng khi tổ chức thực hiện thì linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể, song có kiểm soát. Trong xây dựng thể chế, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, vấn đề vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền xử lý.

Thủ tướng cho biết với phương châm doanh nghiệp, doanh nhân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể nên Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp hơn, để doanh nghiệp đến với chính quyền nhanh hơn.

Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác công-tư để các doanh nghiệp, doanh nhân nghiên cứu tham gia sâu hơn, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực y tế... trên tinh thần những gì người dân làm được, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, thì người dân, doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước chỉ làm những gì cần kiểm soát về mặt an ninh, quốc phòng và các cân đối lớn, vĩ mô...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp ý kiến cùng Chính phủ thực hiện đột phá về thể chế; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc lại doanh nghiệp; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để Việt Nam đủ năng lực ứng phó với các vấn đề nảy sinh. 

Đồng hành trên tinh thần “3 không và 5 thật”

Đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần "3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật."

Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ.”

Thủ tướng kêu gọi sự chung tay, đoàn kết, thống nhất, chia sẻ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, như lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để phòng, chống dịch hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội./.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục