Thủ tướng Srettha quyết tâm xây cầu cạn nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman

Theo Thủ tướng Thái Lan, cây cầu có thể giúp giảm bớt lưu lượng giao thông ngày càng tăng ở Eo biển Malacca, nơi chiếm tới 60% lượng xăng dầu được vận chuyển bằng đường biển trên thế giới.
Ông Srettha Thavisin phát biểu với báo giới ở Bangkok (Thái Lan). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/1, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết dự án xây dựng cây cầu cạn nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman trị giá 1.000 tỷ baht (gần 30 tỷ USD) ở miền Nam nước này sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và đảm bảo an ninh năng lượng.

Ông Srettha cho rằng cây cầu này có thể giúp giảm bớt lưu lượng giao thông ngày càng tăng ở Eo biển Malacca, nơi chiếm tới 60% lượng xăng dầu được vận chuyển bằng đường biển trên thế giới.

Phát biểu trong cuộc tranh luận về Dự luật Ngân sách của Chính phủ cho tài khóa 2024 tại Quốc hội, ông Srettha nhấn mạnh: “Dầu là một mặt hàng quan trọng. Nếu eo biển Malacca bị tắc nghẽn, việc vận chuyển dầu sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, Chính phủ đã đưa ra dự án cầu cạn này.”

Thủ tướng Thái Lan khẳng định cây cầu có thể giúp đẩy nhanh việc xuất khẩu hàng hóa được sản xuất tại nước này; đồng thời lưu ý thêm rằng Eo biển Malacca thường xuyên xảy ra tai nạn do ùn tắc, tàu chuyên chở container phải chờ rất lâu để qua luồng biển.

Với lượng container dự kiến đi qua eo biển này sẽ tăng lên trong 10-15 năm tới, tình trạng tắc nghẽn có thể còn tồi tệ hơn.

Ông Srettha khẳng định dự án sẽ thu hút đầu tư từ một số quốc gia, trong đó có quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Saudi Arabia sẽ đầu tư vào các nhà máy lọc dầu.

Dự án cầu cạn bao gồm việc phát triển các cảng ở tỉnh Ranong trên bờ biển phía Tây và tỉnh Chumphon trên bờ biển phía Đông, cùng với việc xây dựng đường cao tốc và đường sắt dành riêng cho vận chuyển hàng hóa.

Một nghiên cứu do Chính phủ tiền nhiệm tiến hành đã xác định các địa điểm xây dựng cả hai cảng gồm một cảng tại Mũi Laem Riew ở tỉnh Chumphon bên Vịnh Thái Lan và một tại Mũi Laem Ao Ang ở tỉnh Ranong trên bờ biển Andaman.

Dự án đòi hỏi vốn đầu tư 1.000 tỷ baht, sẽ được chia thành bốn giai đoạn. Dự án cũng bao gồm tuyến đường giao thông dài 93,9km, trong đó 89,3km trên đất liền và 2,15km trên biển tại cảng Ranong và 2,48km trên biển tại cảng Chumphon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục