Sáng 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt Đại học Quốc gia Hà Nội để đôn đốc, xử lý tại chỗ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ nhằm xây dựng một đô thị đại học trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội là nòng cốt.
Góp ý với trường tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung phối hợp hoàn thiện sớm công tác giải phóng mặt bằng, chủ động điều chỉnh lại quy hoạch theo yêu cầu sử dụng; tăng cường tính tự chủ giữa các đơn vị thành viên.
Biểu dương Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nghị quyết Trung ương xác định phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu để đưa đất nước tiến lên. Trong quá trình đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đào tạo bậc đại học nước nhà. Thủ tướng đặt kỳ vọng Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ là đơn vị dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo của đất nước, dẫn dắt hệ thống đại học cả nước đi lên, phục vụ đắc lực yêu cầu xây dựng và hiện đại hóa đất nước.
Cho biết Chính phủ sẽ quan tâm, hỗ trợ tích cực để nhà trường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tập thể thầy và trò Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo để đạt kết quả cao nhất.
Cơ bản tán thành với các đề xuất, kiến nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng đồng ý để nhà trường điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dự án tại Hòa Lạc; xây dựng cơ chế mở cho các cơ sở giáo dục đại học khác gia nhập Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành kiến nghị về cải thiện chế độ, chính sách với chuyên gia, giảng viên cao cấp, giáo sư-phó giáo sư của nhà trường; thực hiện thí điểm cơ chế khoán chi và xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho nhà trường.
[Lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam]
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Đoàn công tác đã tới hiện trường, thị sát các khu vực, vị trí xây dựng các công trình, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Tại các điểm thị sát, Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý dự án, các đơn vị thi công đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiến hành huyển giao Ban Quản lý dự án và ủy quyền đầu tư cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành khẩn trương phối hợp tiến hành giải phóng mặt bằng khu vực Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để sớm triển khai xây dựng.
Theo Đề án được duyệt, khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây có quy mô sử dụng đất khoảng gần 1.114ha, trong đó khu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội là 1000ha; khu tái định cư là gần 114 ha.
Đề án đặt ra các yêu cầu như Đại học Quốc gia Hà Nội gồm nhiều pháp nhân khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, mang bản sắc truyền thống dân tộc; được khai thác hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung; thu hút đầu tư theo quy hoạch và quản lý theo quy định; các cơ sở nghiên cứu cao cấp gồm nhiều pháp nhân khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian thống nhất với Đại học Quốc gia Hà Nội bảo đảm là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành hiện đại của Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có quy mô khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và khoảng 6.550 cán bộ, nhân viên. Về quy mô xây dựng công trình, đến năm 2025 bảo đảm đáp ứng cho tám trường đại học, năm khoa trực thuộc, năm viện nghiên cứu trực thuộc, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các trung tâm nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ và các trung tâm phục vụ khác; với tổng diện tích khoảng 1,9 triệu m2 sàn xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn chỉnh.
Đại học Quốc gia Hà Nội là mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết, học tập kinh nghiệm có sàng lọc mô hình các đại học danh tiếng trên thế giới.
Cơ chế quản trị đại học tiên tiến đặt dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy được quyền tự chủ cao trong mọi hoạt động, vừa thực hiện được sự liên thông, liên kết vừa phát huy tính sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng đơn vị thành viên và trực thuộc.
Xếp hạng quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội có bước phát triển nhanh chóng, từ nhóm 250 năm 2010 theo Bảng xếp hạng QS châu Á, đến năm 2014, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nằm vào nhóm 161-170, năm 2015 tiếp tục duy trì trong nhóm 151-200 và năm 2016 đứng thứ 139 các trường đại học hàng đầu châu Á. Một số lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 100 các trường đại học hàng đầu châu Á.
Tính đến nay, trong tổng số 3.997 công chức, viên chức và lao động hợp đồng của Đại học Quốc gia Hà Nội có 2.212 cán bộ khoa học, trong đó gần 20% có học hàm giáo sư, phó giáo sư; 49,5% có trình độ tiến sỹ, tiến sỹ khoa học (riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế đạt trên 70%); có 87 nhà giáo nhân dân và gần 200 nhà giáo ưu tú; tỷ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên đạt: 1/15, gần đạt tiêu chí của đại học nghiên cứu. Đây là những tỷ lệ cao và đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học cả nước.
Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có 29.397 sinh viên đại học chính quy; 6.206 học viên cao học; 1.523 nghiên cứu sinh. Để tiếp cận mô hình đại học 4.0, Đại học Quốc gia Hà Nội đã kiến tạo các điều kiện có thể mở các chương trình đào tạo mới, thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, sàn giao dịch sản phẩm và hỗ trợ khởi nghiệp, hai doanh nghiệp theo mô hình Spin-off, đang làm thủ tục để tiếp tục hỗ trợ các đơn vị và nhà khoa học thành lập hai doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Một số ý tưởng khởi nghiệp đã bắt đầu được đầu tư cho sinh viên và các nhà khoa học trẻ.
Theo nghiên cứu mới được Cổng thanh toán điện tử iPrice cùng Quỹ đầu tư 500 Startups (tháng 8/2017) thực hiện, với 27 startup và 56 nhà sáng lập, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu về số lượng các nhà sáng lập startup theo học./.