Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (kèm theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/04/2024 của Thủ tướng Chính phủ). Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII phải bám sát các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch điện VIII, cụ thể hoá được các nhiệmv ụ được giao tại Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đảm bảo phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung-cầu nội vùng; đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và linh hoạt trong phát triển nguồn/lưới điện phù hợp với bối cảnh, nguồn lực quốc gia; Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển điện lực.
Quy hoạch điện VIII mở ra cơ hội cho nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo
Về danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030: Tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.
Công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030: Tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện Mặt Trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.
Về kế hoạch phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nghiên cứu xây dựng 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030, trong đó Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo tại Bắc Bộ có vị trí tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận. Quy mô của Trung tâm này điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500 MW.
Ngoài ra, Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ-Nam Bộ có vị trí tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận. Trung tâm này có quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000-2.500 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 1.500-2.000 MW./.