Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã diễn ra chiều 14/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Đây là sự kiện quan trọng, nhằm tổng kết 15 năm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức bán tập trung (tập trung ở trung ương kết hợp trực tuyến tại địa phương) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng.
Tham dự tại đầu cầu Hà Nội là hơn 500 đại biểu, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo các chuyên gia, viện nghiên cứu, đối tác nước ngoài; đại diện hợp tác xã, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân; một số doanh nghiệp lớn điển hình có đầu tư, liên kết trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; các hiệp hội, ngành hàng...
Nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... là thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng, Nhà nước xác định rõ từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng.
"Kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
[‘Phát triển kinh tế tập thể cần tuân theo nguyên tắc thị trường’]
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng kỳ vọng, những kết quả của Hội nghị tổng kết lần này và của Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 sẽ là những luận cứ khoa học, thực tiễn quan trọng để trình Bộ Chính trị, từ đó có những quyết sách trong thời gian tới, giúp hợp tác xã có những đóng góp quan trọng hơn nữa.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức các quan điểm phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực.
Nhận thức của nhân dân về mô hình hợp tác xã kiểu mới được nâng cao, từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất, đến nay đã từng bước hiểu rõ bản chất hợp tác xã kiểu mới, gắn với lợi ích của từng thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vị trí, vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định.
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn bảy năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50-80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp.
Đóng góp còn khiêm tốn
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Thủ tướng nhận xét nhận thức về các quan điểm phát triển kinh tế tập thể, về bản chất, sứ mệnh, động lực, cơ chế vận hành hợp tác xã trong điều kiện phát triển mới đã có chuyển biến tích cực ở các cấp, các ngành và trong toàn xã hội.
Nhiều kết quả trong hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế tập thể, mà đặc biệt Luật Hợp tác xã (2012) với nhiều điểm tiến bộ, trên nền tảng bảy nguyên tắc cơ bản của Liên Minh hợp tác xã quốc tế.
Thủ tướng cho rằng kinh tế tập thể, hợp tác xã có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất, hỗ trợ gần 6 triệu hộ xã viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.
Số lượng hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền; đã và đang xuất nhiều mô hình mới; không ít hợp tác xã có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tạo được năng lực cạnh tranh cao cho hợp tác xã.
Chỉ ra những hạn chế, yếu kém của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, Thủ tướng cho rằng, so với các khu vực kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định, chưa phát huy được tiềm năng của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm.
Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu, ở nhiều cơ quan, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của hợp tác xã, chưa thấy hết được vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Tâm lý hoài nghi về khả năng thành công của hợp tác xã còn khá nặng nề bởi sự thất bại của phong trào hợp tác xã kiểu cũ trước đây.
Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong nước, những mô hình thành công để phát huy tối đa sức mạnh của hợp tác xã kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể. Các giá trị trung tâm cần phải có là “tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên hợp tác xã-người lao động-khách hàng-người tiêu dùng-đối tác, và đổi mới sáng tạo” trên nền tảng tổ chức quản trị hiện đại theo cơ chế thị trường.
Thủ tướng nhấn mạnh trước hết cần xác định rằng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.
Phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức hợp tác xã và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của cả nước; đặc biệt đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động hợp tác xã mà Bác Hồ đã chỉ dạy.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới.
Rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính-tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng... xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển.
Phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” phải tiếp tục được quan tâm cụ thể hơn đối với hợp tác xã để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với đó là phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình hợp tác xã, đó là lợi thế về xã hội và lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn.
Sáng cùng ngày, Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác và Hợp tác xã năm 2019./.