Sáng 4/1, tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ có điểm đầu tại km 107+363,08 thuộc địa phận phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối tại km 130+337 (nút giao Chà Và, kết nối Quốc lộ 1 hiện hữu), thuộc địa phận xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Chiều dài tuyến khoảng 23km.
Dự án được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe. Vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 4.826 tỷ đồng, thi công trong 2 năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dự án có ý nghĩa chiến lược kết nối từ cầu Mỹ Thuận đến thành phố Cần Thơ. Như vậy, đến năm 2022, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ được hoàn thành.
Ngay trong năm nay, Chính phủ cũng giao các bộ, ngành chức năng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công cao tốc từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau cũng như làm đường cao tốc ven biển của vùng với chiều dài 400km.
[Kiến nghị cho thông tuyến tạm thời cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận]
Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã bố trí nhiều nguồn lực cho các công trình giao thông, trong đó sẽ khánh thành cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi dài trên 51km, thông xe kỹ thuật và sớm khánh thành cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; sớm khánh thành hai đường băng mới để giải phóng ách tắc tại các sân bay quốc tế; mặt cầu Thăng Long có yêu cầu kỹ thuật riêng cũng gần được hoàn thành; cầu Cửa Hội kết nối Nghệ An với Hà Tĩnh sẽ được khánh thành thời gian tới. Cầu Mỹ Thuận cũng sẽ sớm hợp long. Các tuyến đường sắt nội đô của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong đó đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ sớm được khánh thành.
Bên cạnh đó, sau quá trình chuẩn bị công phu với trách nhiệm cao nhất, những hạng mục đầu tiên của sân bay Long Thành sẽ được khởi công vào sáng 5/1. Trước đó, ngày 6/11/2020, đoạn cao tốc Bắc-Nam đã được khởi công xây dựng.
Thủ tướng cho rằng nhiều công trình quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông cả nước được triển khai hiệu quả giai đoạn này. Đặc biệt phải hoàn thành tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ và khánh thành đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ thành vào năm 2022 như cam kết của chủ đầu tư.
Thủ tướng nêu rõ việc chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư từ ngân sách Nhà nước nhằm giảm chi phí cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với sản phẩm xuất khẩu với lưu lượng lớn vận chuyển qua tuyến đường quan trọng này. Năm nay, ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng và số còn lại là năm sau, để hoàn thiện tuyến đường này. Đây là cố gắng rất lớn, thay đổi chủ trương quan trọng để góp phần thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển toàn diện, đồng bộ Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các công trình quan trọng, kể cả thủy lợi, giao thông chúng ta đã triển khai thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị thi công, tư vấn, giám sát, các vấn đề kỹ thuật phải đảm bảo chất lượng cao nhất, không để tình trạng làm trước, hỏng sau, chất lượng kém.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tuyến kỹ thuật tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận từ nút giao cuối tuyến (huyện Cái Bè) về đến nút giao đầu tuyến là điểm kết nối vào cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.
Dự án được khởi công tháng 11/2009 nhưng sau đó bị đình trệ gần 10 năm. Tháng 4/2019, dự án được tái khởi động và liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án.
Sau hơn một năm rưỡi, đến nay, với tinh thần làm việc “xuyên đêm," "xuyên lễ, tết," “xuyên dịch," Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành lời cam kết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải thông tuyến trước 31/12/2020.
Đến thời điểm này, khối lượng thi công đã đạt hơn 75%, tuyến chính dài hơn 51km đã được thông, một số đoạn trên tuyến chính đã trải cấp phối đá dăm, thảm bêtông nhựa mặt đường, các cầu trên tuyến đã hoàn thành bản mặt cầu, các đường dẫn đầu cầu đã đắp xong vật liệu dạng hạt và thực hiện vuốt nối. Tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã có thể phục vụ người dân, xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn, tốc độ tối đa 40km/h trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau khi bị chậm tiến độ 10 năm thì đây là sự kiện quan trọng, hiện thực hóa lời hứa của Thủ tướng với 20 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long về thời gian thông tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Trong quá trình triển khai dự án này, Thủ tướng đã 4 lần trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Hai năm qua, dự án gặp một số khó khăn như thay đổi chính sách pháp luật, mưa lũ kéo dài, thi công trên nền đất yếu và xảy ra đại dịch COVID-19. Dự án cũng phải thi công tới 39 cây cầu lớn, nhỏ trong số 51km.
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Thủ tướng đã quyết định giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư, yêu cầu các cá nhân có trách nhiệm thực hiện đúng lời hứa với nhân dân; chọn đúng nhà thầu có năng lực và có kinh nghiệm, tiềm lực là Tập đoàn Đèo Cả.
Với kết quả này, Thủ tướng đánh giá cao Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ có liên quan, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã phối hợp chặt chẽ để giải phóng mặt bằng, cấp vốn cho dự án và các hỗ trợ khác.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ đạo thi công ngày đêm, phấn đấu quyết liệt để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thời điểm thông tuyến dự án và đánh giá cao tập đoàn đã thực hiện tốt nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng thời gian vừa qua.
Cho rằng khối lượng công việc tiếp theo còn lớn, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để sớm khánh thành dự án với tiêu chuẩn, chất lượng đề ra, xứng đáng là tuyến cao tốc mẫu mực của Việt Nam, theo đó cần đưa ra một lộ trình cần thiết, thi công ngày đêm để tháng 10 hoặc tháng 11/2021 có thể khánh thành công trình.
Rút ra kinh nghiệm, bài học từ công trình, Thủ tướng nêu rõ không có khó khăn nào không thể vượt qua nếu có sự đoàn kết và ý chí quyết tâm cao. Cùng với đó là bài học về năng lực quản lý, thực hiện của tỉnh, đơn vị liên quan./.