Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 19/2 đưa tin Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết nước này không cho phép Mỹ đặt kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Rzeczpospolita của Ba Lan, Thủ tướng Orpo cho biết việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Phần Lan là không cần thiết, do chính Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng có thể cung cấp khả năng răn đe hạt nhân.
Ông cho biết vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở một số quốc gia trong liên minh, như vậy là đủ để đảm bảo an ninh cho khối này.
Ngày 4/4/2023, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Phần Lan luôn khẳng định vũ khí hạt nhân sẽ không hiện diện trên đất Phần Lan ngay cả khi nước này đã trở thành thành viên NATO.
Chia sẻ vũ khí hạt nhân là một khái niệm trong chính sách răn đe của NATO. Chương trình này cho phép các nước thành viên NATO không có vũ khí hạt nhân được tham gia vào kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của NATO.
Trước đó, Ba Lan đã bày tỏ mong muốn được tham gia chương trình.
Giới chức Nga đã nhiều lần phản đối ý định này của Ba Lan, khẳng định nếu điều này diễn ra trên thực tế, nguy cơ chiến tranh hạt nhân bùng nổ là rất lớn.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng mối nguy hiểm duy nhất phát sinh từ yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân tới Ba Lan đó là việc những vũ khí này sẽ được sử dụng.
Theo ông Medvedev, nếu Mỹ đáp ứng mong muốn của Ba Lan về việc triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này, sẽ dẫn tới cuộc chiến tranh hạt nhân./.
Belarus xem xét bố trí vũ khí hạt nhân trong dự thảo học thuyết quân sự mới
Dự thảo học thuyết quân sự mới của Belarus xem việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật là biện pháp bắt buộc phải thực hiện trong khuôn khổ răn đe chiến lược trước các mối đe dọa.