Trước thực trạng còn hơn 20.000 hộ dân di cư tự do vẫn đang sinh sống phân tán, đời sống còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sáng 9/12, một hội nghị quy mô toàn quốc về chủ đề “Giải pháp ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên” đã diễn ra tại thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới dự, điều hành hội nghị.
Còn hơn 20.000 hộ dân di cư tự do chưa được sắp xếp
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số hộ dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ từ năm 2005 đến nay là 66.738 hộ, trong đó Tây Bắc 5.811 hộ; Tây Nguyên 58.846 hộ; Tây Nam Bộ 2.081 hộ.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, diễn biến tình hình dân di cư tự do trong những năm gần đây đã giảm mạnh. Số hộ đã ổn định cuộc sống khoảng hơn 42.000 hộ, song đến nay vẫn còn 24.000 hộ dân di cư tự do (tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên hơn 22.000 hộ) chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dân di cư tự do chủ yếu là do đời sống của người dân còn rất khó khăn, thiếu nước sản xuất, thiếu đất canh tác... nên họ di chuyển đến nơi khác mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mặt khác, một bộ phận người dân thiểu số bị các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng tự do tôn giáo, tuyên truyền xuyên tạc, kích động, lừa gạt, lôi kéo người dân di cư tự do trái pháp luật. Đây là yếu tố phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề xã hội làm xáo trộn đời sống của người dân sở tại, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.
Trong giai đoạn 2013-2017, cả nước đã bố trí, sắp xếp ổn định được 17.510 hộ dân di cư tự do. Đến nay, hầu hết các hộ dân di cư tự do bố trí, sắp xếp vào vùng dự án được đăng ký tạm trú, tạm vắng và nhập hộ khẩu đạt 42,2%, điển hình như tỉnh Gia Lai đã nhập hộ khẩu cho 927 hộ, tỉnh Đắk Lắk là 587 hộ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn Tây Nguyên còn nhiều kẽ hở, thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường diễn ra trên diện rộng, nhiều vụ việc phức tạp (đặc biệt là giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân di cư tự do) nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Không chỉ đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt
Phát biểu kết luận hội nghị, phân tích về tình trạng di dân tự do, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là hiện tượng xuất hiện trên toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam.
Viện dẫn số liệu báo cáo của ILO, Thủ tướng cho biết năm 2017 có đến 207 triệu người di cư tại các quốc gia trên thế giới. Do đó, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các quốc gia phát triển như Mỹ, di cư vẫn là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và lịch sử, không phải hiện tượng nhất thời.
Do đó, “vấn đề đặt ra là cần làm như thế nào để tình trạng di cư giảm xuống hơn nữa; quản lý tốt đất đai nông, lâm trường” để “đất có dân, dân có đất,” Thủ tướng nói.
Phân tích về những hệ lụy của di dân tự do, Thủ tướng khẳng định ảnh hưởng rất lớn đến quốc phòng, an ninh, các vấn đề an sinh xã hội, phá rừng, an ninh trật tự, thậm chí là an ninh chính trị của địa phương và đất nước.
Khẳng định quan điểm “không khuyến khích di dân tự do,” song Thủ tướng yêu cầu cần có biện pháp chủ động để xử lý thực trạng này.
Thủ tướng định hướng việc giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương Tây Nguyên không chỉ cần đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành và các chính sách kinh tế xã hội.
“Mục đích cuối cùng là làm sao để người di cư có cuộc sống ổn định, phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau,” Thủ tướng nói và nhấn mạnh đây là cụ thể hóa chính sách dân tộc, duy trì tinh thần đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Chỉ ra thêm những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới trong lĩnh vực này, Thủ tướng nhắc đến việc còn trên 100.000 dân di cư chưa được đăng ký hộ khẩu; nhiều bộ, ngành chưa quan tâm đến vấn đề này mà phần lớn chỉ là các địa phương. Còn trên 20.000 hộ chưa được sắp xếp, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, mức sống thấp. Việc bố trí nguồn lực kinh phí từ ngân sách trong lĩnh vực này chưa được quan tâm. Công tác quản lý đất đai nguồn gốc nông, lâm trường còn chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng “phát canh thu tô.”
[Thủ tướng: Đắk Lắk phải đi đầu trong tự cân đối ngân sách ở Tây Nguyên]
Nhắc lại quan điểm không khuyến khích di cư tự do, Thủ tướng đề nghị giữ dân tại chỗ thông qua tăng cường phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất.
Đối với những người đã di cư thì huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, lo sinh kế cho người dân, có biện pháp quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm phức tạp.
Đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm thiểu tối đa tình trạng dân di cư tự do; ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn, cấp bách. Cùng với đó là hoàn thành dứt điểm 32 dự án bố trí ổn định dân di cư đang thực hiện.
“Bảo đảm người dân di cư có mức sống bằng mức sống của người dân địa phương,” Thủ tướng nói và giao nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp toàn bộ số hộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giải quyết tình hình thiếu đất sản xuất, kiểm soát tình hình di dân tự do; ổn định tình hình trật tự anh ninh-xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân; giảm thiểu và triệt tiêu tình hình tranh chấp, lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cử cán bộ trực tiếp đến cơ sở để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hỗ trợ dân di cư tự do và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đất đai của các công ty nông lâm nghiệp để đồng bào hiểu, thực hiện và giám sát các cơ quan, chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; cơ chế, chính sách về bố trí ổn định dân cư; đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. “Đây là chính sách mang tính căn cơ nhất,” Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo cần có Đề án tăng cường quản lý đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại.
Trước mắt, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương trong trong 2 năm 2019-2020 cho các dự án sắp xếp, ổn định dân cư (khoảng 2.500 tỷ đồng).
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan và các địa khẩn trương sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp phải gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa phù hợp với chủ trương, định hướng tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Để đảm bảo các mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện, cấp cơ sở và người đứng đầu.
“Địa phương nào để xảy ra vi phạm quy định, khiếu nại, khiếu kiện, nhất là điểm nóng thì các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đối thoại với dân, tạo đồng thuận, không để thành điểm nóng,” Thủ tướng chỉ đạo./.