Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cương quyết loại bỏ cơ chế 'xin - cho'

Thủ tướng chỉ rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phải bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, sát thực tiễn, khả thi, đi vào cuộc sống, bám sát thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 13/6, kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, tập trung thực hiện hiệu lực, hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe Tờ trình tóm tắt về 3 dự án Luật và 3 đề nghị xây dựng Luật; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định về các dự án Luật; thảo luận về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của các dự án luật: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị xây dựng các Luật: Luật Dữ liệu; Luật Phòng bệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chính phủ thảo luận về các vấn đề liên quan ưu đãi đầu tư, khai báo hóa chất nhập khẩu, trách nhiệm quản lý nhà nước... Ở dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu phân tích rõ một số khái niệm, nội dung, bảo đảm tính rõ ràng, khả thi của Luật, cũng như vấn đề phân cấp, phân quyền.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhận được sự quan tâm của các thành viên Chính phủ về các nội dung liên quan diện tích quảng cáo trên báo in; thời lượng quảng cáo trên truyền hình, báo nói; việc cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo; đặc biệt là về quảng cáo xuyên biên giới...

Chính phủ xem xét về trình tự, thủ tục; sự cần thiết ban hành Luật; tên gọi của các dự án Luật; các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dữ liệu.

Trong đó, đối với dự án Luật Phòng bệnh, Chính phủ đã xem xét các chính sách nhằm hoàn thiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng bệnh.

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu thảo luận về nội dung điều chỉnh gồm: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; về phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả...

Thảo luận về đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, các thành viên Chính phủ quan tâm các nội dung liên quan đến việc: xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; Chiến lược dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu...

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng xem xét Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và một số vấn đề quan trọng khác.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cho ý kiến về yêu cầu, nguyên tắc xây dựng Luật; các nội dung của các dự án Luật, đề nghị xây dựng Luật, nhất là các nội dung còn có ý kiến khác nhau và giao việc cho các bộ, ngành hoàn thiện các dự thảo, kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật nêu trên.

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, hàm ý chuyên môn cao, có chất lượng của các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự Phiên họp; yêu cầu các bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật theo Nghị quyết Phiên họp của Chính phủ và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng chỉ rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phải bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, sát thực tiễn, khả thi, đi vào cuộc sống, bám sát thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc pháp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các vấn đề đột xuất, phát sinh...

Nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc này, với quan điểm thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách góp phần huy động nguồn lực cho sự phát triển, đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng cho biết Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực cho sự phát triển, ưu tiên cho tăng trưởng.

Theo Thủ tướng, tình hình hiện nay diễn biến rất nhanh, khó lường, nên nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp, chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, phải luôn rà soát, sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách.

“Những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa, tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định, hoặc đã có quy định, nhưng chưa theo kịp thực tiễn, bị thực tiễn vượt qua thì bổ sung kịp thời,” Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, cần đặc biệt chú ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính sáng tạo, đổi mới, chủ động của các cấp, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Cùng đó, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cương quyết loại bỏ cơ chế “xin - cho” là môi trường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thể chế thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với các cơ quan của Quốc hội phục vụ tốt nhất giai đoạn 2 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhất là trong việc thảo luận, cho ý kiến, xem xét, thông qua các dự án Luật; đổi mới cách làm, tuân thủ quy định, không để tình trạng trình chậm; lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật với chất lượng tốt nhất tại Kỳ họp này, cũng như các dự án Luật đang được xây dựng để trình vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Các bộ, ngành phải đẩy nhanh việc soạn thảo các văn bản được phân công, xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được thông qua, để có hiệu lực đồng thời với luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên tục của hệ thống pháp luật.

“Phát huy vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực gồm cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật,” Thủ tướng chỉ rõ.

Các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ ngành thực hiện các nhiệm vụ nói trên; sớm trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, nhất là trong các luật liên quan đầu tư, hợp tác công tư, ngân sách..., phấn đấu đề xuất các cấp có thẩm quyền ngay trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Các bộ, ngành tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân và tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta; tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận, hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục