Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay

Theo Thủ tướng, sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, có thể khẳng định chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay và cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 23/4, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 - diễn đàn đầu tiên có chủ thể chính là ASEAN, dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN đã khai mạc tại Hà Nội.

Diễn đàn là sáng kiến của Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, có chủ đề xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu đề dẫn Diễn đàn. Diễn đàn có sự tham dự của đông đảo các diễn giả là lãnh đạo cấp cao của ASEAN và các nước ASEAN như: Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN năm 2024; Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Brunei; Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; đông đảo quan chức Chính phủ, các Đại sứ, cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp, các học giả hàng đầu khu vực ASEAN, các nước đối tác và quốc tế.

Về phía Việt Nam có sự tham dự của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với chủ đề xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm, tại Diễn đàn các diễn giả chia sẻ ý tưởng mới và sáng tạo để lãnh đạo các nước ASEAN tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược, tầm nhìn của khu vực và mỗi nước, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Diễn đàn tập trung thảo luận các giải pháp đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội; các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý tưởng kinh doanh, kết nối mạng lưới để tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh.

ttxvn_20240423_thu tuong pham minh chinh_dien dan tuong lai asean (2).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu chào mừng gần 500 đại biểu tới dự Diễn đàn và dẫn đề cho Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bàn về tương lai và hoạch định cho tương lai đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thế giới ngày nay đang đứng trước những bước ngoặt lớn, trong đó nổi lên 3 xu hướng chiến lược.

Một là xu hướng cạnh tranh, phân tách ngày càng gay gắt giữa các nước lớn đang đặt ra những thách thức lớn đối với đoàn kết và hợp tác ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu.

Hai là xu hướng phát triển bùng nổ của các công nghệ mới, số hóa vừa mở ra các cơ hội phát triển đột phá, vừa tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu, nhất là các nước đang phát triển và kém phát triển.

Ba là xu hướng phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh vừa là thời cơ, vừa là sức ép lớn, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, cách tiếp cận mới, mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, vì lợi ích lâu dài.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đó, sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, có thể khẳng định chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay và cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt. Vai trò trung tâm của ASEAN được thừa nhận rộng rãi, nhưng có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả.

ASEAN là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, nhưng chênh lệch trình độ phát triển còn đáng kể, mức độ hợp tác, liên kết nội khối còn chưa thật sự bền chặt. Thực tế đó đòi hỏi ASEAN càng cần phải có tầm nhìn chiến lược, toàn diện, nâng cao sự chủ động và khả năng thích ứng để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức, phát triển ổn định, bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng; luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.

Con đường phát triển của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập luôn gắn liền với ASEAN và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong mối quan hệ chặt chẽ này. Thành công của Việt Nam khẳng định tính đúng đắn, chiến lược của các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng 3 yếu tố nền tảng là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, tập trung thực hiện 6 trọng tâm: đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, phát triển; chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “văn hóa là sức mạnh nội sinh; văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Xuyên suốt quá trình đó, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức vì là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi với quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế. Đây cũng là những thách thức chung mà nhiều quốc gia ASEAN phải đối mặt trên hành trình phát triển; đòi hỏi sự đoàn kết, tin tưởng, chung sức, đồng lòng của tất cả các nước thành viên cùng sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế.

Thủ tướng kêu gọi ASEAN cùng kiên trì theo đuổi cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để ngôi nhà chung ASEAN vững vàng trong mọi hoàn cảnh.

Cho rằng ASEAN đang hướng đến các mục tiêu đến năm 2045 với khát vọng về một Cộng đồng phát triển năng động, gắn kết và tự cường. Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện 5 tăng cường.

Thứ nhất, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN. Phát huy vai trò trung tâm ASEAN; đồng thời tôn trọng sự khác biệt, bảo đảm hài hòa lợi ích; kiên định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề an ninh - phát triển của khu vực và thế giới.

Thứ hai, tăng cường tin cậy chiến lược trong ASEAN và trong quan hệ với các đối tác; góp phần ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, bền vững cho ASEAN trong thời gian tới.

Thứ tư, tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thứ năm, tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là hợp tác công tư; tạo đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng và quản trị quốc gia, giúp ASEAN phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng tin tưởng ASEAN đã, đang và sẽ đóng góp ngày càng chủ động, tích cực hơn cùng cộng đồng quốc tế trong định hình tương lai của thế giới.

Với quan điểm “Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay,” Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa cùng các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè của ASEAN chung tay viết tiếp những câu chuyện thành công, mở ra tương lai chiến lược mới cho một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường, đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, không để ai bị bỏ lại phía sau.

ttxvn_20240423_thu tuong pham minh chinh_dien dan tuong lai asean (10).jpg
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng tổ chức Diễn đàn trong năm 2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi Lào đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN; cho rằng Diễn đàn là sự kiện rất có ý nghĩa với sự tham gia, đóng góp ý kiến của đại diện các chính phủ, học giả, nhà nghiên cứu ở khu vực và thế giới, đồng thời thể hiện đóng góp chủ động, thiết thực của Việt Nam cho Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh mới, giúp nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới.

Ôn lại quá trình phát triển của ASEAN sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển cũng như các xu hướng, cơ hội, thách thức của ASEAN trong thời gian tới, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho rằng ASEAN cần sẵn sàng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức vì Cộng đồng ASEAN và vì người dân ASEAN.

Thời gian tới, ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN; gắn kết nội khối, đề cao vai trò Trung tâm của ASEAN và luật pháp quốc tế; làm chủ vận mệnh của mình; duy trì ổn định, thúc đẩy hợp tác, phát triển; tăng cường các mục tiêu kinh tế; giảm khoảng cách phát triển; tăng trưởng bao trùm và bền vững… đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của ASEAN và đem lại lợi ích cho người dân ASEAN.

Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết Lào nỗ lực hết mình thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024; hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và các đối tác; tạo nền tảng vững chắc của ASEAN trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục