Sáng 21/12, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 800 điểm cầu trong cả nước tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020, triển khai công tác Tòa án năm 2021.
Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành dự hội nghị.
Tại hội nghị, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ liên thông văn bản quốc gia và công bố các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án Nhân dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết hơn 2,3 triệu vụ việc đạt 97,6%; riêng trong năm 2002 đã thụ lý hơn 602 nghìn vụ việc. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Về xét xử các vụ án hình sự, Tòa án đã xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm như vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Phan Văn Anh Vũ, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng... hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội...
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống tòa án các cấp, các tổ chức Đảng tại Tòa án luôn quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, duy trì kỷ luật, kỷ cương, đổi mới chất lượng sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết nội bộ,...
Nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong nhiệm kỳ này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Những thành tựu này có được là do sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó sự có đóng góp quan trọng của Tòa án.
[Nâng cao chất lượng công tác xét xử, đảm bảo sự bình đẳng]
Trong nhiệm kỳ này, nhất là trong năm 2020, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, Tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong công tác tư pháp, xét xử; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng đánh giá, ngành Tòa án đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
"Các Tòa án tuân thủ nghiêm các nguyên tắc Hiến định, tổ chức phiên tòa một cách khoa học, dân chủ, trang nghiêm, tạo điều kiện thuận lợi để luật sư, bị cáo và các đương sự thực hiện tốt quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Những đổi mới trong công tác xét xử thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào một nền công lý công bằng, nghiêm minh, bảo đảm thượng tôn pháp luật" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành Tòa án tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn; tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao.
Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt 98%, đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.
Ngành Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán. Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường.
Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tiến hành thường xuyên với hình thức, nội dung đa dạng. Cơ sở vật chất được tăng cường, củng cố và từng bước được hiện đại hóa theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường.
Một số cán bộ, thẩm phán Tòa án còn chưa gương mẫu
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nổi lên là: tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỷ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ hủy, sửa án hành chính vẫn còn cao.
Một số Tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; chưa khắc phục triệt để việc bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn kéo dài, chất lượng giải quyết chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
"Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Một số cán bộ, thẩm phán, công chức, viên chức của một số Tòa án còn chưa gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, thậm chí vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác bị xử lý" - Thủ tướng nêu rõ.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị các Tòa án cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót; tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, tìm ra những giải pháp phù hợp, khả thi để khắc phục cho được những hạn chế, khuyết điểm, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh ngành Tòa án thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; chủ động thích ứng, giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra.
"Chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu xây dựng và chuẩn bị thực hiện một Chiến lược cải cách tư pháp mới theo Nghị quyết của Đảng. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các đồng chí cần suy nghĩ những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một Chiến lược cải cách tư pháp mới của Tòa án nói riêng và nền tư pháp nói chung nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới. Cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống Tòa án, các đồng chí phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác Tòa án" - Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, các cấp Tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Hoạt động của Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
"Qua đó, mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp. Trong đó, mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực thể hiện tập trung, rõ nét nhất quyền tư pháp của Tòa án. Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội, qua đó khuất phục tội phạm, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, hoạt động Tòa án phải thượng tôn pháp luật, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.
Các Tòa án cần tăng cường hơn nữa việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự phải được xem là giải pháp căn cơ để chống xét xử oan, sai, vi phạm pháp luật trọng hoạt động tố tụng. Việc tăng cường hoà giải, đối thoại trong các vụ việc dân sự, hành chính phải là giải pháp quan trọng để hoá giải các mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong xã hội; làm tốt công tác giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót về nghiệp vụ.
"Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; oan, sai mới được loại trừ, vi phạm mới được khắc phục và Tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp" - Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, ngành Tòa án tích cực, chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại Tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”
Ngành Tòa án chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”
Ngành chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Tòa án, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vị trí là trung tâm của hoạt động tư pháp.
"Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi Thẩm phán, mỗi cán bộ Tòa án, phải giữ vững cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý.
Chất lượng của hoạt động xét xử và uy tín của Tòa án là do cán bộ Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán quyết định. Vì vậy, ngành phải chăm lo xây dựng được đội ngũ Thẩm phán “thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và mẫu mực về đạo đức.”
Thẩm phán phải là người chiến sỹ kiên trung trên mặt trận bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật. Xây dựng đội ngũ Thẩm phán “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như lời Bác Hồ đã căn dặn phải là ưu tiên hàng đầu của các Tòa án để vượt qua được khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Tòa án.
Bên cạnh đó, ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử trong thời gian tới./.