Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hoá trở thành nước thu nhập cao mà không qua xuất khẩu. Những quốc gia, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường.
Tuy vậy, tại Hội nghị giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 24/4, tại Hà Nội, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để tăng trưởng và phát triển bền vững thì phải nhìn vào thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
[Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, thặng dư thương mại vượt 1,3 tỷ USD]
Sản xuất phải gắn với thị trường
Theo Bộ Công Thương, năm 2017, xuất khẩu Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất cao, với con số 214 tỷ USD vào năm 2017, tăng hơn 20% so với năm 2016.
Trong đó, có những mặt hàng có kim ngạch lớn như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ tính riêng lĩnh vực, nông nghiệp xuất khẩu trên 36 tỷ USD. Bên cạnh đó, số lượng mặt hàng xuất ngày càng nhiều, 29 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với 12 hiệp định FTA được ký kết. Điều này giúp Việt Nam không phụ thuộc vào một vài thị trường, một vài bạn hàng, một vài ngành hàng và là nỗ lực của ngành công thương.
Có được kết quả trên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gần như tất cả bộ máy các bộ, ngành và địa phương đều vào cuộc.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, việc thậm hụt thương mại nhiều sẽ là nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao và việc này không chỉ ảnh hướng trực tiếp đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến cán cân thương mại.
Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung phân tích những điều cốt lõi nhất của xuất khẩu, từ những vướng mắc về thuế, hải quan, thị trường đến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm của hàng hóa trong nước hiện nay.
Dẫn chứng từ thực tế về việc có ngành hàng xuất khẩu rất nhanh nhưng có ngành hàng xuất khẩu còn lúng túng, lúc trồi lúc sụt, theo Thủ tướng, dù còn phụ thuộc vào thị trường thế giới nhưng vấn đề quan trọng hơn là do khâu tổ chức quản lý.
Do vậy, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần phải nhìn nhận vào cách tổ chức quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam, gắn liền với sản xuất. Đặc biệt là các vấn đề đang kìm chế hoạt động xuất khẩu.
"Trước khi sản xuất một sản phẩm nào cần phải nghĩ đến việc tiêu thụ ở đâu, sản xuất cái xã hội cần chứ không phải sản xuất cái anh có. Cho nên đẻ ra thực trạng dư thừa, đẻ ra thực trạng không phát huy được lợi thế so sánh của đất nước," Thủ tướng nêu rõ.
Thông qua hội nghị, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có nghị quyết, chỉ thị về tăng cường xuất nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn, làm nền tảng cho việc các bộ ngành và địa phương tập trung chỉ đạo các công việc quan trọng nhằm tháo gỡ và giải quyết tình hình hiện nay.
Quản lý chặt chất lượng đầu vào
Nhấn mạnh thêm tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những khâu đột phá của việc thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành và địa phương thời gian qua nhất là các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực hải quan, cảng biến, kiểm dịch...
Tuy nhiên, trước độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện là 190% gần gấp đôi GDP và những tác động của hoạt động xuất nhập khẩu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, do vậy để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tại hội nghị cần đánh giá được những khó khăn của thương mại toàn cầu thậm chí là những nguy cơ cuộc chiến thương mại có thể xảy ra.
Cụ thể là xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy, hàng rào về tiêu chuẩn với nông sản, thực phẩm kể cả quy định về truy suất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh... ngày càng khắt khe hơn.
[Đắk Nông thông tin về vụ hỗn hợp vỏ càphê trộn sỏi và nhuộm pin]
Thủ tướng nêu rõ, đối với sản xuất nếu không quản lý tốt chất lượng đầu vào để có một nền nông nghiệp sạch thì khó bền vững xuất khẩu. Đặc biệt một bộ phận người dân và một số doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm chưa đồng đầu, một số sản phẩm trước tốt sau xấu, thậm chí có một số sản phẩm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.
"Tại hội nghị này, cần phải lên án các cơ sở sản xuất, những người dân làm bừa, làm ẩu vì lợi ích trước mắt mà chưa vì lợi ích của 90 triệu người dân," Thủ tướng thẳng thắn phê bình những hành vi làm ăn gian dối.
Để tạo ra những đột phá cho xuất khẩu, Thủ tướng cũng nêu ra nhiều câu hỏi cho các đại biểu tham dự hội nghị. Cụ thể là làm sao tăng được giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam? Những yêu cầu để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, cùng với đó là sáng kiến để loại bỏ những nút thắt lớn cho xuất khẩu? Khâu nào yếu của Việt Nam hiện nay, ngoại ngữ, chất lượng, pháp luật...
"Bức tranh lớn của xuất khẩu Việt Nam cần có sự góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia cùng với nhà sản xuất để tầm nhìn vĩ mô có thể tốt hơn nữa qua đó tháo gỡ tốt hơn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất trong nước...," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ./.