Thủ tướng: Nông nghiệp phải đứng top 10 thế giới về xuất khẩu

Thủ tướng yêu cầu năm 2025, ngành nông nghiệp phải có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt từ 3-3,5%, đồng thời, có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.
Thủ tướng: Nông nghiệp phải đứng top 10 thế giới về xuất khẩu ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho ngành trong năm 2020 phải có tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu năm 2025, ngành phải có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt từ 3-3,5%, đồng thời, có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 trên thế giới.

Đánh giá kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nông nghiệp là ngành vẫn chịu thách thức lớn nhất. Đó là cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu; xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp; dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều điểm sáng. Ngành đã đạt và vượt 3/4 chỉ tiêu Chính phủ giao.

Năm 2019, ngành đã coi trọng tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, tạo động lực cho sản xuất, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các thị trường khác. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh xuất hiện ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La... và đặc biệt, trong năm khó khăn này, cũng đã có 40 nhà máy chế biến được đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động, tham mưu, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nên đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra ngành nông nghiệp còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, công nghiệp chế biến sâu chưa đáp ứng được yêu cầu...

"Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm. Tiến độ giải quyết “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với đánh bắt hải sản còn chậm; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; nguồn lực cho ngành còn rất hạn chế. Cùng với đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành và giá thịt lợn đang ở mức rất cao," Thủ tướng chỉ rõ.

Là một trong những tỉnh có diện tích diện tích cây ăn quả lớn nhất cả nước, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cho biết sau hơn hơn 5 năm tái cơ cấu, tỉnh đã chọn được hướng để phát triển nông nghiệp là cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tỉnh gặp nhiều khó khăn về tích tụ tập trung đất đai cho doanh nghiệp, hợp tác xã; đặc biệt là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên giá thành sản xuất cao, đặc biệt là khâu vận chuyển hàng hóa.

Ông Lò Minh Hùng đề xuất Chính phủ quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông cho Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao cho các tỉnh các giống cây ăn quả có giá trị cao phù hợp với thổ nhưỡng và thị trường. Tỉnh mong muốn các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tỉnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản cho Sơn La.

Bắc Giang là tỉnh có diện tích vải lớn nhất cả nước cũng như có vùng sản xuất vải lớn đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết ngay sau khi Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát các yêu cầu, điều kiện, hướng dẫn sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.

Tỉnh cũng chuẩn bị các phương án liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để chủ động tiếp cận thị trường, sẵn sàng cho việc xuất khẩu ngay từ vụ vải 2020.

[Thay đổi thói quen tiêu dùng để cân bằng thị trường thịt lợn]

Ông Dương Văn Thái mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tổ chức sản xuất đảm bảo các quy định để đủ điều kiện xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản cũng như sang các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Về góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, đặc biệt là hội chợ quốc tế.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực mở cửa thị trường đưa nhiều sản phẩm nông sản ra thế giới. Hai bộ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để doanh nghiệp tăng đầu tư.

Bên cạnh đó, hai bộ cần đồng bộ thực thi các chính sách, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính đến với doanh nghiệp, người dân.

Năm 2020 sẽ thực thi thêm nhiều hiệp định thương mại tự do, vì vậy, hai bộ sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để có định hướng trong sản xuất, đem lại hiệu quả cao.

Thủ tướng: Nông nghiệp phải đứng top 10 thế giới về xuất khẩu ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo tổng kết công tác ngành năm 2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục xác định đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay ngành tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Ngành cũng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực cùng với đó là kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu.

"Cùng đó, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. Đặc biệt, ngành phấn đấu từng bước khống chế được dịch tả lợn châu Phi; giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục