Thủ tướng Nhật đề cao ý nghĩa của việc ký hiệp ước hòa bình với Nga

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố việc ký kết hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Liên bang Nga sẽ tạo cơ sở cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Đông Bắc Á.
Thủ tướng Nhật đề cao ý nghĩa của việc ký hiệp ước hòa bình với Nga ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Kyodo)

Ngày 25/9, phát biểu trong phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tại New York, Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố việc ký kết hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Liên bang Nga sẽ tạo cơ sở cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Đông Bắc Á.

Thủ tướng Abe cho rằng Nhật Bản và Nga cần giải quyết tranh chấp lãnh thổ và ký kết hiệp ước hòa bình. Một khi hai nước đạt được hiệp ước này, hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á sẽ có cơ sở rõ ràng hơn.

Ông Abe đánh giá hiện tại quan hệ Nhật-Nga đang trong tình trạng bất thường, bởi hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình kết thúc chiến tranh.

Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản nêu rõ ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực phối hợp để tìm giải pháp cho tình trạng này, trong đó, ông Abe dự kiến tiến hành cuộc gặp song phương với nhà lãnh đạo Nga trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Tổng thống Putin đã đề xuất Nga và Nhật Bản ký kết hiệp ước hòa bình vào cuối năm nay mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Thủ tướng Abe cũng nêu rõ lập trường của Nhật Bản rằng nước này sẽ ký kết hiệp ước hòa bình sau khi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết, song ông khẳng định quyết tâm cùng với nhà lãnh đạo Nga thúc đẩy việc ký kết hiệp ước. 

[Quan hệ Nga-Nhật có khởi sắc sau đề nghị ký hiệp định hòa bình?]

Trong nhiều thập niên, Moskva và Tokyo đã tổ chức tham vấn nhằm tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trở ngại chính của vấn đề này là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Khu vực tranh chấp gồm 4 hòn đảo, Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.

Tranh chấp lãnh thổ chẳng những khiến hai nước không ký được hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương.

Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này thông qua việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục