Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi thực hiện các biện pháp “chưa từng có” để tăng tỷ lệ sinh ở nước này.
Ông Kishida đưa ra lời kêu gọi trước tình hình dân số trẻ em của Nhật Bản đã giảm năm thứ 42 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục mới.
Dữ liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố ngày 4/5 cho biết tính đến ngày 1/4 vừa qua, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, bao gồm cả người nước ngoài ở nước này, là 14,35 triệu. Con số này giảm khoảng 300.000 so với một năm trước đó.
Tỷ lệ trẻ em trên tổng dân số của Nhật Bản là 11,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ năm 50 của thế kỷ trước - thời điểm bắt đầu tiến hành thống kê dữ liệu để so sánh.
Có 3,21 triệu trẻ em từ 12-14 tuổi, so với 2,43 triệu trẻ em từ 2 tuổi trở lên, cho thấy xu hướng tiếp tục có ít trẻ em hơn trong nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi ở nước này.
Nhật Bản có tỷ lệ trẻ em thấp nhất trong số 36 quốc gia có dân số trên 40 triệu người, sau Hàn Quốc với 11,6% và Italy với 12,4% - theo dữ liệu của Liên hợp quốc.
Sau khi đạt mức cao nhất vào năm 1954 là 29,89 triệu và trải qua thời kỳ bùng nổ số lượng trẻ em thứ hai vào đầu những năm 1970, dân số trẻ em của Nhật Bản đã tiếp tục giảm kể từ năm 1982.
Chính phủ Nhật Bản tháng trước đã thành lập Cơ quan Trẻ em và Gia đình để giám sát các chính sách chăm sóc trẻ em và đang xem xét nhiều biện pháp khác nhau để tăng tỷ lệ sinh.
Một trong các biện pháp được tính đến là đảm bảo nguồn tài chính cho các hộ gia đình nuôi con nhỏ, tuy nhiên liệu các sáng kiến như thế này có hiệu quả đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh hay không vẫn còn là điều hoài nghi.
Về tình hình dân số Nhật Bản nói chung, một báo cáo công bố hôm 12/4 của Bộ Nội vụ nước này cho biết tính đến ngày 1/10 năm ngoái, dân số Nhật Bản là 124.947.000 người, giảm 556.000 người so với một năm trước đó và năm 2022 là năm thứ 12 liên tiếp dân số nước này giảm.
[Dân số Nhật Bản dưới mốc 125 triệu, giảm năm thứ 12 liên tiếp]
Thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố ngày 28/2 cho thấy năm ngoái, lần đầu tiên số trẻ được sinh ra tại quốc gia này dưới 800.000 trẻ/năm - mức thấp nhất từ trước đến nay.
Việc số trẻ mới sinh tại Nhật Bản giảm mạnh không chỉ phản ánh những thay đổi về lối sống do tác động của đại dịch COVID-19 mà còn là một vấn đề xã hội cấp bách tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Cùng với việc tìm cách tăng tỷ lệ sinh con, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân chuyển về sống ở các khu vực ngoài Thủ đô Tokyo nhằm hồi sinh các cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, các biện pháp do chính phủ áp dụng chưa phát huy hiệu quả, khi dân số nước này đã duy trì xu hướng giảm.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học
Theo hãng tin Al Jazeera, Nhật Bản đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân khẩu học lớn nhất thế giới.
Tỷ lệ sinh những tháng gần đây ở Nhật Bản là 1,34 - thấp hơn nhiều so với mức 2,07 cần thiết để giữ dân số ổn định. Điều này có nghĩa dân số ở Nhật có thể giảm từ 125 triệu xuống còn 88 triệu vào năm 2065.
Thủ tướng Fumio Kishida đã sử dụng những từ ngữ nghiêm trọng khác thường trong một bài phát biểu trước quốc hội vào tháng Một năm nay.
“Nhật Bản đang đối mặt với câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể tiếp tục tồn tại như một xã hội hay không,” ông nói trong bài phát biểu dài 45 phút. Ông cho biết thêm rằng đây là thời điểm có tính quyết định để giải quyết tình trạng suy giảm dân số của quốc gia.
Trong bài viết liên quan cuộc khủng hoảng dân số Nhật Bản, đăng tải đầu tháng Ba, VietnamPlus đã đề cập “Vì sao tiền không mang tới giải pháp?”
Bài viết dẫn lời Chika Hashimoto, 23 tuổi, mới tốt nghiệp Đại học Temple ở Tokyo, cho biết: “Kết hôn chắc chắn không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi. Hoàn thành sự nghiệp và tận hưởng sự tự do của mình quan trọng hơn nhiều so với kết hôn và sinh con.”
“Nuôi một đứa trẻ thực sự tốn rất nhiều tiền. Không dễ để phụ nữ Nhật Bản cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, vì chúng tôi sẽ phải lựa chọn một trong hai”, cô nói thêm.
“Tôi thường nghe các nhà quản lý nam giới nói về việc phụ nữ kết hôn và mang thai sẽ làm hỏng kế hoạch nhân sự, bao gồm việc phát triển kỹ năng, luân chuyển công việc và thăng tiến. Nỗi sợ hãi của tôi bắt nguồn từ đây” - Maki Kitahara, 37 tuổi, chia sẻ.
Bà Yuko Kawanishi, giáo sư xã hội học tại Đại học Lakeland của Tokyo, tin rằng Nhật Bản cần có những kế hoạch mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề nhân khẩu học.
Chika Hashimoto cho rằng giải pháp của chính phủ, chủ yếu là tăng hỗ trợ tài chính, chưa hợp lý và cần có thêm nhiều biện pháp khác, mang tính hệ thống hơn, để giải quyết vấn đề chăm sóc trẻ em./.