Thủ tướng Nhật Bản cam kết thiết lập quy tắc sử dụng trí tuệ nhân tạo

Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của G7, sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy nhận thức chung và thiết lập các quy tắc về sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng Nhật Bản cam kết thiết lập quy tắc sử dụng trí tuệ nhân tạo ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 11/5 cam kết nước này sẽ dẫn đầu các nỗ lực quốc tế trong việc thiết lập quy tắc đối với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khi ông chủ trì các Hội nghị G7 năm nay.

Cam kết trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy phát triển nhanh chóng các công nghệ như AI bot ChatGPT, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với quyền riêng tư và giải quyết các mối quan ngại khác.

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban chính phủ để thảo luận về chiến lược AI của Nhật Bản, ông Kishida nhấn mạnh: "AI có tiềm năng thay đổi tích cực nền kinh tế và xã hội, và (nó cũng tiềm ẩn) rủi ro. Chúng ta cần phải đáp ứng một cách thích hợp với cả hai khả năng này. Nhật Bản, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của G7, cần thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy nhận thức chung và thiết lập các quy tắc."

[Chuyên gia: AI có thể thay thế 80% số việc làm trong vài năm tới]

Thủ tướng Kishida sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7 từ ngày 19-21/5 tại thành phố Hiroshima, cùng với các nhà lãnh đạo đến từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Mỹ cùng với EU.

Sự kiện này diễn ra sau cuộc họp hồi tháng Tư của các bộ trưởng công nghệ ở Nhật Bản, trong đó họ nhất trí thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo việc sử dụng AI "có trách nhiệm."

Trước đó, Nhà Trắng ngày 4/5 đã tuyên bố với các Giám đốc điều hành (CEO) của những “gã khổng lồ” về trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ rằng họ phải gánh vác trách nhiệm “đạo đức” trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà công nghệ này có thể gây ra.

Trong một tuyên bố, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh: “Như tôi đã chia sẻ trong ngày hôm nay với các CEO của những công ty tiên phong về đổi mới AI của Mỹ, khu vực tư nhân này có trách nhiệm đạo đức, lương tâm và pháp lý nhằm đảm bảo an ninh và an toàn đối với các sản phẩm của họ.”

Tại cuộc họp với đội ngũ CEO từ các hãng công nghệ Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic, Phó Tổng thống Harris đánh giá AI có “tiềm năng trong quá trình cải thiện đời sống của người dân và giải quyết một số thách thức lớn nhất của xã hội”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục