Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường dự lễ đăng quang Nhà Vua Nhật Bản

Lễ đăng cơ, một trong những sự kiện mùa Thu chính được tổ chức cho tân Nhật hoàng, dự kiến diễn ra vào ngày 22/10 nhằm tuyên bố ngôi vị của ông trước các đại diện trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, rạng sáng 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rời Hà Nội, lên đường sang dự lễ đăng quang của Nhà Vua Nhật Bản Naruhito tại Tokyo từ ngày 22-23/10.

Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và Trợ lý Thủ tướng Bùi Huy Hùng.

Ngày 1/5, Hoàng Thái tử Naruhito đã kế vị vua cha là Nhật hoàng Akihito để đăng quang Hoàng đế của Nhật Bản, bắt đầu một thời kỳ mới với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa).

Sinh ngày 23/2/1960, Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Thượng hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko. Năm 1991, ông được tấn phong làm Hoàng Thái tử vào đúng sinh nhật 31 tuổi của mình.

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản]

Lễ đăng cơ (Sokuirei Seiden no gi), một trong những sự kiện mùa Thu chính được tổ chức cho tân Nhật hoàng, dự kiến diễn ra vào ngày 22/10 nhằm tuyên bố ngôi vị của ông trước các đại diện trong và ngoài nước. Dự kiến, lãnh đạo và các quan chức từ hơn 190 quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tham dự buổi lễ.

Trước đó, ngay sau khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã gửi điện chúc mừng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Nhật Bản có Nhà Vua mới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam tin tưởng chắc chắn, dưới thời đại “Lệnh Hòa,” đất nước và nhân dân Nhật Bản sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước thịnh vượng, phồn vinh, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục được củng cố, phát triển tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (năm 2018).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 29,16 tỷ USD (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu đạt 14,98 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kì năm 2018), nhập khẩu đạt 14,18 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kì năm 2018).

Hiện Nhật Bản có 4.291 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,36 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến 01/2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự các sự kiện chính thức của lễ đăng quang và sẽ có một số cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước tham dự sự kiện này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục