Sau một ngày chủ trì hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngay trong tối 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã rời thành phố Cần Thơ, di chuyển về thành phố Vị Thanh và có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang - một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ nhưng cũng là một trong 4 tỉnh khó khăn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Buổi làm việc diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang diễn ra vào sáng mai 28/9.
Sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh chủ đạo của Hậu Giang, 9 tháng năm 2017, mặc dù trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi, giá nông sản bấp bênh nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và người nông dân, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn vẫn tăng trưởng.
Thời gian này, tỉnh thu ngân sách đạt 4.933 tỷ đồng, đạt 76% dự toán. Bên cạnh nguồn lực còn yếu cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, những khó khăn của Hậu Giang còn ở nguồn vốn triển khai thực hiện quy hoạch Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh cũng còn hạn chế do xuất phát điểm thấp; chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản.
Hậu Giang còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống giao thông đường bộ chưa kết nối các vùng trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định là một địa phương có xuất phát điểm thấp, Hậu Giang là một tỉnh nghèo, còn nhận trợ cấp ngân sách trung ương. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong triển khai kế hoạch phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn không ngừng được cải thiện.
Theo Thủ tướng, Tỉnh cũng đã phát huy vai trò trung tâm lúa gạo của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; xây dựng được một số vùng lúa chất lượng cao, mía, cây ăn trái đặc sản và hình thành được một số thương hiệu sản phẩm có uy tín. Nhiều hộ gia đình trong tỉnh có mô hình kinh tế nông nghiệp tốt. Hậu Giang cũng đang quyết liệt chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo.
Thủ tướng khẳng định công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá, lượng du khách tăng mạnh. Những kết quả này là cố gắng quan trọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Phân tích một số khó khăn thách thức của Hậu Giang, Thủ tướng cho rằng tỉnh phải đối mặt với vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu; cơ cấu nông thôn chuyển dịch chậm, tỷ lệ cơ cấu công nghiệp thấp; Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn quá nhỏ, bằng 1/3 trung bình cả nước với quy mô còn khiêm tốn. Hạ tầng của tỉnh còn thiếu và yếu, vẫn còn có xã chưa có đường ôtô đến trung tâm.
[Hậu Giang kêu gọi đầu tư 7 dự án với tổng vốn gần 300 triệu USD]
Thủ tướng nói rằng Hậu Giang cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đều có chỉ số phát triển xã hội thấp, dưới trung bình cả nước. Nguy cơ giảm nghèo chưa bền vững, tái nghèo cao. Một số mục tiêu, nhiệm vụ của 2017 như tăng trưởng GDP, thu ngân sách và môi trường là những chỉ tiêu tỉnh phải cố gắng vượt bậc mới có thể hoàn thành.
Về những giải pháp thời gian tới, Thủ tướng tán thành Hậu Giang phấn đấu tiếp tục đổi mới, sáng tạo, năng động hơn nữa trong phát triển dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng phát triển kinh tế đa chức năng, nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến, phục vụ nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Tỉnh cũng cần chú ý xây dựng và phổ biến trong các hộ nông dân hệ thống tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch, an toàn.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Hậu Giang căn cứ vào quy hoạch toàn vùng để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, khai thác hạ tầng nước ngầm sao cho bảo vệ, gìn giữ tốt môi trường đất.
Thủ tướng cũng đề nghị Tỉnh phải chủ động tìm kiếm lợi thế so sánh để có hướng đi phù hợp như phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa vào diện tích trồng lúa lớn, bởi đây chính là lợi thế của Hậu Giang so với các địa phương khác. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, tránh thói quen cũ, cách làm cũ.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh rằng tỉnh cần tiếp tục quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng nhiều hơn nữa thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất. Hậu Giang phải xây dựng một số cây trồng, vật nuôi chủ lực ở địa phương. Tỉnh còn phải tìm phương án, cách làm tốt nhất để huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; trong đó xác định một số danh mục cấp bách để tập trung đầu tư.
Căn dặn địa phương chú trọng hơn công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cũng mong muốn Hậu Giang thúc đẩy toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền lợi và nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tay nghề lao động nông thôn. Trong phát triển kinh tế, phải kết nối với các tỉnh trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng cũng bày tỏ hy vọng Hậu Giang phát huy hơn nữa thành tích xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch; gia cường nền tảng xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền, không ngừng nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh.
Xem xét và cho ý kiến đối với một số kiến nghị của Hậu Giang, Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành nghiên cứu và có các biện pháp hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn./.