Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để nền kinh tế tăng trưởng âm

Nêu rõ dịch COVID-19 đang trở lại phức tạp, nặng nề hơn, Thủ tướng nhấn mạnh phải bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo để tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh, không để đứt gãy nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 2/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thống kê phải làm việc với các bộ, các cơ quan để có số liệu chính xác nhất trước khi báo cáo, công bố. Các số liệu thống kê phải chính xác, không "tô hồng" nhưng không được "bôi đen," không bỏ sót và làm đúng quy định pháp luật.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, việc tính toán số liệu thống kê hiện còn gặp một số khó khăn, nhất là trong việc chia sẻ thông tin đúng thời hạn của các bộ, ngành. Do đó, Tổng cục đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp số liệu kịp thời hơn.

Bên cạnh đó, các địa phương khi tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế thì cần thảo luận, làm việc với các bộ, ngành để đảm bảo phương pháp tính và số liệu chính xác hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ dịch COVID-19 đang trở lại phức tạp, nặng nề hơn với Việt Nam. Chúng ta phải bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo để tiếp tục thực hiện tốt hai mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để đứt gãy nền kinh tế, không để nền kinh tế tăng trưởng âm, nhất là trong bối cảnh thế giới, nhiều đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng âm.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết khi làm việc với nhiều vùng kinh tế, nhiều địa phương vừa qua, hầu hết các địa phương đều cam kết không điều chỉnh thu ngân sách và giải ngân hết vốn đầu tư công. Đây là điều rất có ý nghĩa khi lượng vốn đầu tư công năm nay rất lớn so với các năm trước. Đặc biệt một số địa phương cam kết không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

[Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới]

Về kinh tế-xã hội cả nước, qua số liệu thống kê, Thủ tướng đánh giá kinh tế Việt Nam không tăng cao trong tháng Bảy, nhưng có tăng trưởng và khả quan. Các biện pháp kích cầu nội địa thời gian qua rất thành công, giúp thị trường sôi động trở lại.

Tuy vậy, do dịch bệnh nên các biện pháp có sự điều chỉnh, trước mắt là ngăn chặn dịch lây lan, không được để dịch bùng phát trên diện rộng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đảm bảo đạt tốt nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra. Cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt cả chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng có kiểm soát; đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; giữ chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%...

Với các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường, cùng với đó là có biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí để xuất khẩu thuận lợi hơn. Bộ Công Thương phải có biện pháp rõ ràng hơn về kích cầu tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh khó khăn trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn về kinh tế-xã hội, bảo vệ mọi thành phần kinh tế, nhất là hệ thống doanh nghiệp, chống đổ vỡ, chống thâu tóm, không để tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.

Chính vì vậy, các bộ chức năng đều phải có kịch bản tăng trưởng phù hợp, chuẩn bị phương án kinh tế thời gian tới; phải phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, trong đó có phối hợp về con số thống kê.

Về số liệu xuất nhập khẩu, Thủ tướng nêu rõ đây là kênh quan trọng trong “cỗ xe tam mã," nhưng thực tế số liệu tổng hợp từ các cơ quan liên quan thường xuyên chậm, có những số liệu chênh lệch tới hàng tỷ USD, do nguyên nhân ước số liệu 10 đến 15 ngày cuối tháng không phản ánh sát thực tế. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê, giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng cũng nêu thực tế số liệu về tiền tệ, tín dụng và ngân sách Nhà nước cập nhật còn chậm, chênh lệch và yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều phải báo cáo bổ sung, cập nhật để chính xác hơn.

Nhấn mạnh hơn ai hết, ngành thống kê, ngành kế hoạch và đầu tư phải chủ động hơn về số liệu, có số liệu chính xác và kịp thời, vì số liệu này rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong điều hành kinh tế-xã hội, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cập nhật thường xuyên, chính xác, không "tô hồng" nhưng không được "bôi đen," không bỏ sót và làm đúng quy định pháp luật.

Trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tư công bố thì Tổng cục Thống kê phải làm việc với các bộ, các cơ quan, rà soát kỹ từng số liệu, phương pháp thống kê, thời điểm cung cấp số liệu, trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan để thực hiện nghiêm túc, tròn trách nhiệm với đất nước.

Nhấn mạnh nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm nay rất lớn, Thủ tướng nhắc lại đã gửi công thư đến các Bộ trưởng quan trọng ngày 17/7 vừa rồi, đồng thời yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này, rà soát và cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 3, cả năm nay và năm 2021. Cần có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động vượt qua khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục