Sáng 28/12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
[Chính phủ chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,7%]
Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, tình hình kinh tế-xã hội năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó đã đạt và vượt 13 chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Chi tiết hơn, theo Phó Thủ tướng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Đáng chú ý, xuất khẩu đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1%, riêng mặt hàng nông, lâm thủy sản đạt trên 36 tỷ USD.
Sức lan tỏa trên đã tạo đà cho các ngành, lĩnh vực cùng phát triển, cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt ở mức 6,81%, khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, khu vực dịch vụ tăng 7,44%...
Cũng theo Phó Thủ tướng, chất lượng tăng trưởng nhiều ngành, lĩnh vực có bước chuyển biến tích cực, năng suất lao động tăng 6%, cao hơn năm 2016 (5,3%). Đóng góp của năng suất của các yếu tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2% cao hơn năm 2016 (40,7) và giai đoạn 201102015 (33,6%).
"Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn, diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137. Ngân hàng thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ," Phó Thủ tướng cho biết.
Đã nói là làm
Nhìn lại năm 2017, Thủ tướng cho hay, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thách thức. Từ đầu năm, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, nợ xấu cao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất.
Nguy cơ giảm sút đầu tư nước ngoài khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua. Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến nay các chỉ tiêu kinh tế đều đạt, vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua.
"Những chỉ số rất ấn tượng về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán… cho thấy niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư vào kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố", Thủ tướng nói.
Tuy vậy, tại hội nghị, Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong việc điều hành kinh tế chung, cụ thể từ việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh tế còn chậm, số doanh nghiệp mới cao nhưng hiệu quả quy mô sức cạnh tranh thấp, hơn nữa tính kết nối khu vực trong nước và FDI còn hạn chế.
Trước những hạn chế nêu ra, Thủ tướng đề nghị phải tập trung nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, có tinh thần cởi mở, sáng tạo trong mọi công việc được giao.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thiết lập kỷ cương hành chính, quyết loại trừ nhũng nhiễu trong thi hành công vụ, cũng như hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong mọi công việc được giao.
"Đã nói là làm và làm ngay, cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần thay thế. Phải liên tục thay đổi, sử dụng nguồn lực hiệu quả tốt nhất," Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm./.