Thủ tướng Merkel hối thúc đàm phán nhanh lập chính phủ liên minh

Lãnh đạo CDU/CSU và SPD đã bắt đầu tiến hành đàm phán thành lập chính phủ liên minh, nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài suốt ba tháng qua tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thủ tướng Merkel hối thúc đàm phán nhanh lập chính phủ liên minh ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Martin Schulz. (Nguồn: Getty images/TTXVN)

Tối 13/12, lãnh đạo liên đảng bảo thủ Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã bắt đầu tiến hành đàm phán thành lập chính phủ liên minh, nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài suốt ba tháng qua tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Để đảm bảo tính bí mật, cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Angela Merkel - Chủ tịch CDU, cùng Chủ tịch CSU Horst Seehofer và Chủ tịch SPD Martin Schulz được tiến hành tại một phòng họp của Quốc hội Liên bang Đức ở thủ đô Berlin.

Liên đảng CDU/CSU đang mong muốn "tái hợp" với SPD trong một chính phủ "đại liên minh," sau khi các cuộc thương lượng thành lập chính phủ với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) thất bại, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Đức. Tuy không bị áp đặt thời hạn theo Hiến pháp để thành lập chính phủ liên minh, nhưng Thủ tướng Merkel vẫn hối thúc "các cuộc đàm phán nhanh" hướng tới "một chính phủ ổn định."

[Đức: Liên đảng CDU/CSU, SPD lạc quan về lập chính phủ liên minh]

Bà đồng thời nhấn mạnh tới tầm quan trọng của "một nước Đức hành động," trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang dâng cao tại nhiều quốc gia châu Âu, nước Mỹ có một vị tổng thống khó lường như ông Donald Trump và Đức cùng Pháp phải thể hiện "vai trò trung tâm" trong công cuộc cải cách và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Merkel nêu rõ "một chính phủ ổn định là cơ sở tốt nhất" để thể hiện vị thế trên trường quốc tế.

Hiện đảng SPD trung tả chưa đưa ra bất cứ điều kiện gì để tham gia liên minh với khối bảo thủ của Thủ tướng Merkel, song đảng này cũng đã cho thấy rõ những điểm chính trong đường lối của đảng, bao gồm xóa bỏ hệ thống y tế công và tư nhân bất cập hiện nay của Đức, điều mà khối bảo thủ vẫn luôn phản đối.

Trước đó, tối 7/12, tại đại hội đảng SPD, các thành viên của đảng này đã thống nhất phương án đàm phán với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Merkel nhằm thành lập chính phủ mới. Giới quan sát Đức nhận định SPD "nhận thức được trách nhiệm đối với đất nước" và "không thờ ơ" với việc thành lập một chính phủ mới và đưa ra cam kết chính phủ mới phải thúc đẩy "sự đổi mới cơ bản của châu Âu."

Động thái "xích lại gần nhau" của CDU/CSU và SPD cũng đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước châu Âu và sự ủng hộ từ đa số người dân Đức. Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất do Viện Forsa tiến hành, khoảng 70% người dân Đức được hỏi đều hy vọng về việc thành lập "đại liên minh" giữa liên đảng CDU/CSU và SPD.

Trong khi đó, khoảng 36% bày tỏ thất vọng về một liên minh bảo thủ khác, đồng nghĩa với việc đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) sẽ trở thành đảng đối lập lớn nhất. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, đảng SPD nhận được 23% tỷ lệ ủng hộ, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel là 32%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục