Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, đang ở thăm Nhật Bản, kêu gọi đàm phán lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trước đây gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời cho rằng những nền kinh tế đang phát triển như Malaysia cần được bảo hộ thương mại.
Phát biểu tại Diễn đàn "Tương lai châu Á" diễn ra tại thủ đô Tokyo ngày 11/6, Thủ tướng Mahathir khẳng định Malaysia không hoàn toàn phản đối CPTPP, song cho rằng hiệp định này cần được đàm phán lại để những nền kinh tế nhỏ hơn sẽ có cơ hội cạnh tranh.
Theo ông, những nền kinh tế khác nhau cần có những quy định khác nhau để có thể cạnh tranh công bằng với các nền kinh tế lớn. Cụ thể, những nền kinh tế nhỏ cần có "một số đặc quyền", cũng như sự bảo hộ để cạnh tranh công bằng với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.
[Tân Thủ tướng Malaysia bất ngờ kêu gọi xem xét lại CPTPP]
Thủ tướng Mahathir cũng cho rằng ý tưởng trên nên là một hiệp định thương mại có quy mô lớn hơn như Tổ chức Kinh tế Đông Á (EAEC) mà ông đề xuất hồi đầu những năm 1990.
Thủ tướng Mahathir ngày 10/6 đã tới Nhật Bản bắt đầu chuyến thăm nước này 3 ngày. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Mahathir kể từ khi nhậm chức ngày 10/5 vừa qua.
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này khỏi TPP, Malaysia cùng với 10 nước còn lại vẫn nỗ lực duy trì thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành CPTPP, được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3 vừa qua.
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Với cam kết mở cửa thị trường, CPTPP được xem là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./.