Thủ tướng Malaysia đề xuất các cải cách táo bạo cho nền kinh tế

Thủ tướng Anwar cho biết khoản phân bổ ngân sách cho năm tới là 393,8 tỷ ringgit (83,26 tỷ USD), trong đó 303,8 tỷ ringgit được dành cho chi phí hoạt động và 90 tỷ ringgit dành cho phát triển.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, chiều 13/10, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã trình quốc hội dự thảo ngân sách năm 2024, trong đó đưa ra những cải cách táo bạo hơn cho nền kinh tế với các biện pháp thuế mới.

Trình bày tại quốc hội, Thủ tướng Anwar cho biết khoản phân bổ ngân sách cho năm tới là 393,8 tỷ ringgit (83,26 tỷ USD), trong đó 303,8 tỷ ringgit được dành cho chi phí hoạt động và 90 tỷ ringgit dành cho phát triển.

Thủ tướng Anwar - người đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Malaysia - nêu rõ kế hoạch ngân sách lần này có 3 trọng tâm, đó là: quản trị tốt nhất để đảm bảo tính linh hoạt của dịch vụ; tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện mức sống của người dân.

Ông cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ người dân giảm chi phí sinh hoạt thông qua việc phân bổ trợ cấp cho thực phẩm, nhiên liệu và các nhu cầu thiết yếu khác.

[Malaysia có thể học hỏi từ quá trình phát triển của Việt Nam]

Ngoài ra, chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng nguồn thu mà không tạo gánh nặng cho người dân với việc đánh thuế cao đối với hàng hóa xa xỉ, tăng thuế bán hàng và dịch vụ từ mức 6% hiện nay lên 8%, không bao gồm thực phẩm, đồ uống và viễn thông.

Theo người đứng đầu Chính phủ Malaysia, điều này là phù hợp với kế hoạch xây dựng Nền kinh tế Madani nâng cao đời sống cho người dân.

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia sẽ đạt mức tăng trưởng từ 4-5% trong năm tới.

Ngày 27/7 vừa qua, Thủ tướng Anwar đã công bố khuôn khổ kinh tế mới - Nền Kinh tế Madani. Đây là một sáng kiến toàn diện nhằm giúp Malaysia giải quyết các thách thức kinh tế hiện nay, trong đó tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, cũng như tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sáng kiến bao gồm hai trọng tâm chính là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đưa Malaysia trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Sáng kiến cũng đặt ra 7 mục tiêu trong 10 năm tới gồm: đưa Malaysia vào Top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 12 nước đứng đầu về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu; nằm trong nhóm 25 nước có Chỉ số Phát triển Con người hàng đầu thế giới; nằm trong nhóm 25 nước đứng đầu về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng; thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP; thu nhập từ lao động chiếm 45% tổng thu nhập và 60% phụ nữ tham gia lực lượng lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục